Từ thành phố Hà Giang, đi hơn 100 km nữa là đến thung lũng Sủng Là, nơi nằm trọn giữa màu hoang sơ, hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn. Trong ngôi nhà đá nhỏ, lơ lửng giữa không gian mênh mông của núi rừng Tây Bắc, anh Vừ Mí Tủa (thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) kể cho chúng tôi nghe về cậu con trai Vừ Mí Pó (SN 2002) vừa bị mất đi đôi chân vì căn bệnh máu không đông (Hemophilia) bẩm sinh.
Trước khi phải ngồi xe lăn, hàng ngày Pó vẫn đi bộ 2km đến trường học bằng đôi chân khỏe mạnh. Em Pó hiện đang học lớp 7 tại trường THCS Dân tộc bán trú Sủng Là.
Pó vừa được một đơn vị từ thiện tặng một chiếc xe lăn. Suốt mấy tháng vừa qua, ngày nào anh Tủa cũng đẩy xe lăn đưa con đến trường. Niềm ham học khiến gia đình không nỡ để Pó rời xa sách vở.
|
Con đường dẫn vào nhà Pó. (Ảnh: Nguyễn Toan) |
Nói về tình hình bệnh tật của con, anh Tủa nghẹn ngào: “Lúc Pó lên 3 tuổi, tôi cứ thấy da của cháu bị sưng đỏ khoảng 2 tuần rồi tự khỏi, nhưng các khớp xương luôn bị sưng và nóng ran. Vì gia đình rất nghèo, không có tiền đưa cháu đi khám ở thành phố, bệnh viện ở quê lại không phát hiện ra bệnh của cháu nên càng ngày bệnh càng nặng”.
Anh Tủa cho biết, hồi năm 2013, bé Pó bị thủng ruột, phải mổ nhưng bác sĩ không cầm máu được. Sau chuyển xuống bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang mới phát hiện em bị bệnh máu không đông (Hemophilia) bẩm sinh.
Nỗi đau đè lên gia đình nghèo khi giờ đây đã không còn cách nào cứu vãn được đôi chân cho em. Nhìn khuôn mặt cậu bé 14 tuổi nhỏ con, còm nhom, trắng bệch vì thiếu máu, hai bên đầu gối sưng vù, đau đớn ai cũng sót xa cho số phận của cậu bé hồn nhiên, học giỏi.
|
Căn bệnh quái ác đã khiến đôi chân Pó thành bại liệt. (Ảnh: Nguyễn Toan) |
Từ khi bị bệnh, Pó phải bỏ học nhiều lần vì quá đau, ở lại lớp 3, lớp 5 vì không theo kịp chương trình. Sáu tháng trở lại đây, những cơn đau lại liên tiếp hành hạ Pó khiến em nhiều lần phải nghỉ học. Mỗi khi bệnh trở nặng, Pó lại phải nhờ thầy cô, bạn bè dìu từ phòng lưu trú đến lớp học.
“Dù khó khăn, em cũng chỉ thèm được học chữ, được chép bài cô giảng, vui đùa cùng các bạn ở trường. Mỗi đợt bệnh phát nặng em lại lo lắng, sợ sức khỏe của mình bị sao lại phải nghỉ ở nhà giống nhiều đứa trẻ con trong bản”, Vừ Mí Pó tâm sự.
|
Chiếc xe lăn được các nhà hảo tâm tặng là hạnh phúc lớn lao với Pó và cả gia đình. (Ảnh: Nguyễn Toan) |
Chúng tôi về xã Sủng Là, huyện Đồng Văn khi nơi đây bước vào mùa nương ngô núi đá. Người Mông ở thung lũng này quanh năm sống bằng nghề nông, lọ mọ sớm tối nhưng cuộc sống cũng không đủ ăn, đủ mặc.
Ánh nắng buổi chiều chiếu chênh chếch giữa những mỏm đá màu hoang sơ, chiếu xiên vào những mái nhà trình tường lợp ngói của người Mông nghèo trong bản, chiếu vào đôi mắt nhăn nheo, khắc khổ của người đàn ông gầy gò, nhỏ thó, đói nghèo, quanh năm chỉ biết bám vào mảnh nương núi đá.
Anh Vừ Mí Tủa nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh còn không sõi: “Từ ngày cháu Pó bị bệnh, gia đình tôi phải chạy vạy vay mượn họ hàng khắp nơi. Thương Pó, tôi đi sang Trung Quốc làm thuê, kiếm được đồng nào cũng tích cóp mang về. Bây giờ chỉ mong ai giúp tôi chữa bệnh cho con trai”.
Gia đình tâm sự, để giữ được mạng sống cho em, mỗi tháng anh Tủa và Pó phải vượt quãng đường hơn 400 km để về Viện Huyết học truyền máu trung ương, hoặc chấp nhận mua thuốc tiêm với giá 4 triệu đồng/mũi. Nếu không làm được như vậy, máu sẽ lại chảy, nguy cơ xuất huyết não là điều không thể tránh khỏi.
Theo lời anh Tủa, nguồn thu nhập chính của gia đình vốn chỉ đến từ công việc làm nương, từ khi Pó bị bệnh lại càng khó khăn. Chị gái Pó học đến lớp 9 phải bỏ học vì không có tiền nộp học. Chị Máy (mẹ của em Pó) ngày ngày lên nương để trồng ngô, trồng tam giác mạch chật vật lo miếng ăn cho gia đình.
Thương con trai duy nhất trong nhà bị bệnh tật đeo bám, anh Vừ Mí Tủa kể, có những đêm hai vợ chồng thức trắng, trằn trọc lo chuyện chi phí để chữa bệnh cho con.
Nhiều khi chứng kiến Pó quằn quại với cơn đau, lại thương đứa con gái lớp 9 phải bỏ học đi làm nương, làm rẫy anh lại rơi nước mắt.
Nơi đất khách quê người anh Tủa vẫn thường xuyên liên lạc chỉ để được nghe thấy tiếng con trai báo bình an, khỏe mạnh là đã đủ vui mừng.
“Tôi chỉ sợ sau này hai vợ chồng già hay chết đi, không có ai chăm sóc cho con trai bệnh tật”, anh Vừ Mí Tủa vừa nói vừa lau nước mắt.