Năm 1973, tôi đang học năm thứ nhất Văn Khoa, ĐH Tổng hợp Hà Nội thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn quyết liệt. Lệnh tổng động viên toàn quốc, hàng ngàn sinh viên các trường đại học, trong đó có sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội xếp bút nghiên, viết đơn bằng máu xung phong lên đường đánh giặc…
|
Viếng mộ AHLS Đặng Thuỳ Trâm và Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc cùng nhiều bạn tôi tại nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội (Thị trấn Nhổn, Nam Từ Liêm). |
Những cuộc chia tay và cả những giọt nước mắt bịn rịn, nhớ thương, những bài thơ, câu thơ viết vội trao cho nhau, những chiếc khăn thêu hoa màu tím, thêu đôi chim hòa bình dúi vội cho người ra trận…Ngày ấy, mình mới 18 tuổi, chưa biết yêu, chưa có ai để nhớ nhung, để tặng khăn tay, cứ nép mình sau gốc nhãn sân trường nhìn theo các bạn, các anh giàn giụa nước mắt. Nước mắt của sự ngưỡng mộ, biết ơn, thương thương những chàng lính trẻ, trong đó có nhiều chàng chưa biết yêu, chưa mảnh tình vắt vai, mới xa nhà chưa đầy một năm, vác khẩu súng nặng trĩu vai, vậy mà bây giờ phải xông pha giữa chiến trường lửa đạn quân thù, giữa khói bom mù mịt …
Sau 50 năm, đất nước hết giặc thù nhưng 400 chàng sinh viên ĐH Tổng hợp ngày ấy trở lại giảng đường đại học chỉ còn mấy chục người. Các bạn tôi đã hy sinh xương máu và vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường, nhiều nhất là chiến trường Quảng Trị. Máu của họ đã hòa đỏ vào nước sông Thạch Hãn để nhà thơ Lê Bá Dương có câu thơ làm xót xa, đau đớn lòng người:
Đò xuôi Thạnh Hãn xin chèo nhẹ.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm …
Cùng với những người lính sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc ngày đó, những người bạn lam lũ, nhỏ bé vì đói nghèo ở xóm Phượng Tây Mỗ quê tôi, chăn trâu cắt cỏ, tắm ao Chùa cùng tôi cũng khoác ba lô ra trận và họ đã không trở về…. Đó là Nghiêm Văn Quyết, Bùi Hữu Việt, Nguyễn Bá Phương, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Hữu Điều, Nghiêm Văn Chiểu, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Hồ, Nghiêm Bá Hùng …Tôi nhớ mãi cái đêm tiễn các bạn, các anh ở sân kho hợp tác xã, họ súng sính trong những bộ quần áo bộ đội lần đầu mặc, vừa tự hào, vừa ngỡ ngàng... Còn bọn con gái chúng tôi thì chạy theo vẫy vẫy những bông hoa hái vội trong vườn, nhớ nhớ, thương thương… Làng xóm quê tôi thời chiến tranh đã vắng vẻ, đìu hiu, từ ngày các anh, các bạn lên đường lại càng vắng vẻ hơn, đìu hiu hơn ..
Họ thực sự là thế hệ “vàng”, thế hệ của những người can trường và bất khuất cùng với Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định …làm rạng danh đất nước, mãi mãi khắc tên vào lòng dân tộc và cả trong lòng chúng tôi, những người con gái không ra trận, chỉ biết nép mình sau gốc nhãn, sau giảng đường đại học, sau sân kho hợp tác xã …bịn rịn chia tay, lặng lẽ rơi nước mắt và mong những người lính trở về … Nếu không có thế hệ "vàng" này, chắc chắn chúng ta không thể có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay....
Đã hơn 50 năm, những cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ ấy, những người sống mãi tuổi 20 ấy vẫn mãi đẹp, mãi lung linh huyền thoại và bất khuất cùng non sông, đất nước…
>>> Mời độc giả xem thêm video Đến thăm Nghĩa trang liệt sỹ Nầm, nơi thắm tình hữu nghị Việt-Lào: