PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Truyền thông ĐH Mỏ Địa chất cho biết, sau 4 lần lọc ảo, dự kiến mức điểm chuẩn các ngành tại trường năm nay không có nhiều biến động so với năm trước. Chỉ có một số ngành “hot” như kinh tế, công nghệ thông tin, tự động hóa điểm chuẩn có xu hướng tăng nhẹ, dự kiến từ 20-22 điểm tùy từng ngành. Bên cạnh đó, một số ngành mang tính đặc thù, ngành mới mở điểm chuẩn dao động từ 16-17 điểm.
|
Ảnh minh họa. |
Còn tại ĐH Thủy Lợi, TS Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo cho rằng, rất khó để dự đoán chính xác mức điểm chuẩn từng ngành khi chưa kết thúc quá trình lọc ảo. Dữ liệu sau 4 lần lọc ảo cho thấy, điểm chuẩn vào các ngành tại ĐH Thủy Lợi năm nay có thể cao hơn năm ngoái từ 1-3 điểm, một số ngành có mức điểm chuẩn tương đương năm trước, song không có ngành nào điểm chuẩn giảm.
Trong đó, một số ngành dự kiến có mức điểm chuẩn cao như Công nghệ thông tin, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật phần mềm, Cơ điện tử… Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử. Dự kiến ĐH Thủy Lợi sẽ công bố điểm chuẩn sau 17h chiều mai (15/9) sau khi kết thúc đợt lọc ảo thứ 6.
Đại diện ĐH Điện lực cũng cho biết, đến thời điểm này, dự báo mức điểm chuẩn một số ngành có thể tăng từ 0,5 – 1 điểm so với năm trước. Trong đó, dự kiến ngành công nghệ thông tin vẫn có mức điểm chuẩn cao nhất. Bên cạnh đó, một số ngành về kinh tế như quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng cũng sẽ tăng nhẹ.
Còn theo Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, dự kiến điểm chuẩn một số ngành tại trường có thể tăng nhẹ so với năm 2021. Trong đó, dự kiến ngành tăng nhiều nhất là tự động hóa, có thể tăng từ 18 lên 20 điểm. Các ngành thuộc nhóm kinh tế và du lịch cũng có thể tăng 0,5 điểm so với năm trước. Cụ thể như kế toán, tài chính ngân hàng, marketing… dự kiến mức điểm trúng tuyển có thể từ 22-24 điểm.
Một số ngành có xu hướng giữ nguyên mức điểm chuẩn so với năm 2021 từ 17-22 điểm như điện tử, cơ khí, luật kinh tế, công nghệ may… Ngoài ra, một số ngành điểm chuẩn sẽ giảm nhẹ khoảng 0,5 điểm so với năm 2021 như quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm. ThS Phạm Thái Sơn cũng nói thêm rằng, đây là kết quả dự báo sau 3 lần lọc ảo, và mức điểm cụ thể từng ngành vẫn sẽ tiếp tục thay đổi khi trường hoàn tất quá trình lọc ảo.
Còn tại ĐH Hồng Đức, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường dự báo, mức điểm chuẩn năm 2022 có tăng nhưng không nhiều. Một số ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao điểm chuẩn sẽ cao vì số lượng chỉ tiêu ít. Tuy nhiên, dự kiến mùa tuyển sinh năm nay sẽ khó có hiện tượng điểm chuẩn 30/3 môn do số lượng thí sinh đạt trên 25 điểm không nhiều như năm trước. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kiểm soát cơ chế cộng điểm.
Đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trên cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh trên hệ thống, từ ngày 4/9, các cơ sở đào tạo đã tải dữ liệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển (bao gồm cả thí sinh đã nộp lệ phí xét tuyển và các thí sinh chưa nộp lệ phí) để tiếp tục thực hiện quy trình xét tuyển theo kế hoạch. Việc xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống được thực hiện 6 lần. Đến 14h ngày 15/9, các cơ sở đào tạo sẽ tải kết quả xử lý nguyện vọng lần 6. Từ sau 17h ngày 15/9 đến trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống; rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Bộ GD&ĐT lưu ý, từ ngày 16/9 đến trước 17h ngày 30/9, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 30/9. Các cơ sở đào tạo, nhóm cơ sở đào tạo lưu ý bảo mật thông tin trong quá trình xét tuyển, xử lý nguyện vọng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Điểm chuẩn đại học 2021 cao chót vót: