Cuối tháng 4, Rick Rose (đến từ Ohio, Mỹ) hứng chịu làn sóng phẫn nộ từ hàng nghìn người lạ sau khi tuyên bố trên Facebook rằng anh không thèm mua khẩu trang. Hai tháng sau, Rose mắc Covid-19 và cho biết trong một bài đăng rằng anh thấy rất khó thở. Vài ngày sau, hôm 4/7, người đàn ông 37 tuổi qua đời.
Một trong số bài chia sẻ cuối cùng của Rose trên mạng xã hội đã nhận về hơn 3.000 biểu tượng “haha” và hàng loạt lời chỉ trích từ người lạ.
|
Rick Rose bị đám đông trên mạng miệt thị ngay cả khi đã qua đời vì Covid-19. Ảnh: NY Post. |
Tina Heschel, mẹ của Rose, nói: “Nếu quen biết con trai tôi, họ sẽ yêu mến nó như những người khác đã làm”.
“Tôi chỉ muốn con được an nghỉ”, người mẹ chia sẻ và nói thêm rằng bà “mệt mỏi với tất cả sự ghét bỏ” dành cho con trai mình.
Các nhà nghiên cứu cho biết hành động miệt thị người mắc bệnh hoặc không tuân thủ các quy định chung trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đã là vấn đề từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Tuy nhiên, tốc độ lan truyền chóng mặt và phạm vi tiếp cận của các mạng xã hội trong đại dịch khiến hoạt động này bùng phát theo chiều hướng mạnh mẽ.
“Nó giống như ai đó vừa châm mồi lửa cho sự miệt thị đã có ở sẵn đó”, David Barnes - giáo sư tại ĐH Pennsylvania (Mỹ), người nghiên cứu về đại dịch và sự kỳ thị - nhận định.
Mọi người miệt thị hoặc bêu xấu cá nhân khác khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi điều gì đó. Họ cần một sự lý giải và tìm thấy ai đó giơ đầu chịu báng. Hành động này giúp họ khẳng định lại suy nghĩ của mình và hiểu được những gì đang xảy ra.
“Chưa từng có xã hội nào mà không tồn tại bệnh liên quan đến đạo đức”, Barnes nói.
Nghiện cảm giác “ném đá” hội đồng
Pamela Rutledge - nhà tâm lý học nghiên cứu tác động của mạng xã hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông - cho biết: “Mạng xã hội đã thay đổi kỳ vọng được lên tiếng. Thời nay, mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến”.
Và những “tiếng nói” đó đã được sử dụng.
Tháng 8 vừa qua, một cảnh sát trưởng ở bang Florida (Mỹ) tuyên bố cấp dưới của ông không được phép đeo khẩu trang, trừ một số trường hợp hạn chế. Người dùng Twitter đã nhanh chóng gọi ông là “covidiot” (thuật ngữ chỉ người phớt lờ những cảnh báo liên quan đến sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng trong đại dịch).
Đầu năm nay, khi các bác sĩ chẩn đoán ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở Ecuador, các bức ảnh nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một giáo viên về hưu bất tỉnh và được đặt nội khí quản trên giường bệnh.
Cái chết của Rick Rose đã được truyền thông quốc gia đưa tin. Dân mạng từ khắp nơi đã ùa vào Facebook cá nhân của người đàn ông này và để lại meme hoặc lời xúc phạm.
|
Mạng xã hội khiến nạn miệt thị hội đồng bùng phát theo hướng mạnh mẽ. Ảnh: laprensatexas. |
Sherry Turkle - giáo sư nghiên cứu về truyền thông xã hội của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) - cho biết: “Hành động miệt thị có thể giúp mọi người cảm thấy yên tâm rằng họ làm đúng và cá nhân khác đã mắc sai lầm”. Bà gọi đây là “sự tự vệ ảo diệu và ý nghĩ kỳ quặc”.
“Đó là một cách tạo ra bức tường ngăn cách giữa chúng ta và những người đang mắc bệnh”, Turkle nhận định.
Mạng xã hội cũng mang lại cho những người bị cô lập trong đại dịch một cách nhanh chóng để tham gia các cộng đồng có chung niềm tin với họ. Mọi người thậm chí có thể không nhận ra rằng họ hùa theo nhau khi nhấp vào biểu tượng cảm xúc hoặc để lại comment trong khi lướt newfeed.
Theo Sherry Turkle, mạng xã hội có thể khiến trò miệt thị hội đồng trở nên “gây nghiện”.
“Mọi người thậm chí không quan tâm nội dung cụ thể, mà chỉ nghiện quá trình tham gia”, bà nói.
Thêm vào đó, Facebook, Twitter và các mạng xã hội mang đến cho người dùng quyền phán xét về mọi vấn đề.
Julian Siegel - chủ nhà hàng The Riverside Market ở Florida, Mỹ - cho biết doanh thu của ông đã giảm khoảng 20% vào đầu mùa xuân này, sau khi ai đó đăng một bức ảnh lên ứng dụng Nextdoor và nói rằng các khách hàng đã không tuân theo hướng dẫn giãn cách xã hội trong lúc chờ đồ ăn. Siegel khẳng định điều này hoàn toàn sai sự thật.
“Thật điên rồ. Những người chưa từng đến nhà hàng đã hùa vào chỉ trích, nói rằng chúng tôi lây lan virus”, Siegel bức xúc nói.
Sau đó, ông còn thấy mọi người lái xe từ từ qua nhà hàng của mình, dường như cố chụp ảnh hoặc quay video bằng điện thoại. “Chúng tôi gọi họ là những anh hùng bàn phím. Chẳng thể làm gì để ngăn họ được”, ông nói.
Sau khi xem 3-4 bài đăng trên ứng dụng Nextdoor và Facebook, Siegel cho rằng có nhiều người bảo vệ nhà hàng hơn là chỉ trích.
|
Julian Siegel giảm 20% doanh thu do một bài đăng sai sự thật về nhà hàng của mình trên mạng. Ảnh: AP. |
Christy Broce (đến từ Tây Virginia, Mỹ) đã sử dụng mạng xã hội để chống lại vấn nạn kỳ thị, thay vì thúc đẩy nó. Broce đã trải qua gần một tháng cách ly vào mùa hè, sau khi cô và hai con trai xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Broce cho hay người thân đã giúp mang đồ dùng cần thiết tới nhà, trong khi ba mẹ con cô tự cách ly. Tuy nhiên, Broce vẫn cảm thấy bị khinh miệt, nhất là sau khi ai đó báo cáo gian dối với cơ quan y tế địa phương rằng đã trông thấy cô đi mua sắm tại cửa hàng tạp hóa vài ngày sau khi mắc Covid-19.
Điều đó đã khiến Broce phải công khai kêu gọi sự thông cảm trên Facebook. Hàng trăm người đã ủng hộ và nhắn tin động viên người mẹ hai con.
“Mọi người đã tiếp cận sự thật và quan tâm hơn một chút”, Broce nói.
Phản ứng như vậy không khiến nhà tâm lý Pamela Rutledge thấy ngạc nhiên. Bà nói rằng chia sẻ sự đồng cảm hoặc hỗ trợ trên mạng xã hội khiến cả người cho và người nhận cảm thấy tốt hơn. Giống như thái độ miệt thị và chỉ trích, sự đồng cảm cũng có thể giúp khẳng định lại quan điểm hoặc niềm tin của một người.
“Đó cũng là một cách khiến cho thế giới dường như trở thành nơi tử tế, dịu dàng hơn”, vị chuyên gia nói.