Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết bị can Phạm Văn Sáng, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, đã bỏ trốn và đang được kêu gọi ra trình diện để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Vào đầu tháng 2/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Phạm Văn Sáng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 224 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, thời điểm đó ông Sáng đã bỏ trốn.
Việc ông Sáng bỏ trốn, không có mặt tại địa phương khiến dư luận nghi ngờ bị can này đã bỏ trốn bằng chiêu trò quốc tịch nước ngoài?
|
Bị can Phạm Văn Sáng thời điểm còn đương chức.
|
Trên thực tế, thời gian qua rất nhiều bị can trong các vụ án lớn cũng từng bỏ trốn hoặc bị truy nã khi cơ quan tố tụng ra quyết định khởi tố. Không khó để dẫn ra các trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Phan Văn Anh Vũ, Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt đến ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy và mới đây là cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Thông tin từ Bộ Công an cũng cho thấy, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu từng đưa ra nhận định, việc bỏ trốn ra nước ngoài khi hành vi phạm tội bị vỡ lở đang là xu hướng của tội phạm tham nhũng chức vụ trong thời gian hiện nay. Điều này xuất phát từ một thực tế là khi đối tượng đã phạm tội tham nhũng chức vụ luôn chuẩn bị sẵn một tâm thế nếu sự việc bị phát giác thì sẽ bỏ trốn ra nước ngoài.
Trong khi đó, với điều kiện tài chính có được do phạm tội tham nhũng chức vụ, các bị can hoàn toàn có khả năng ổn định cuộc sống ở một đất nước khác. Việc bỏ trốn ra nước ngoài cũng sẽ hạn chế, thậm chí cản trở hoạt động truy nã người phạm tội về quy án của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Trong khi đó, điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 cho đến nay cũng đã xuất hiện những lỗ hổng, gây khó khăn cho công tác ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh.
Cụ thể, theo quy định trên, đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là người bị buộc tội (khi có đủ các điều kiện: có căn cứ chứng tỏ họ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án) và trường hợp để kịp thời ngăn chặn tội phạm (chính là trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp).
Tuy nhiên, điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 lại quy định, người bị buộc tội chỉ gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà không có người bị tố giác, kiến nghị khởi tố. Nếu người bị tố giác, kiến nghị khởi tố đã thực hiện xong hành vi vi phạm (không còn căn cứ “để kịp thời ngăn chặn tội phạm”), thì theo quy định của hai điều luật này (Điều 109 và Điều 4), họ không phải là đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Như vậy, Điều 124 BLTTHS 2015 đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 109 và Điều 4 Bộ luật này (quy định riêng mâu thuẫn với quy định chung).
Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn xác minh nguồn tin tội phạm theo quy định khoản 3 điều 124 BLTTHS năm 2015 thì mặc nhiên người đó được xuất cảnh sang nước ngoài, trong khi cơ quan giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tra để chứng minh tội phạm và khi đã đủ chứng cứ chứng minh tội phạm thì người phạm tội đã bỏ trốn sang nước ngoài.
Công an tỉnh Đồng Nai thông báo, trong trường hợp sau khi thông báo kêu gọi trình diện vẫn không có kết quả, cơ quan điều tra sẽ ra lệnh truy nã toàn quốc để truy bắt bị can.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 BLTTHS năm 2015, thì “trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra”. Như vậy, trường hợp đang điều tra mà xác định được bị can bỏ trốn, Cơ quan điều tra phải ra Quyết định truy nã bị can, sau đó ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Trường hợp xác định bị can không có ở nơi cư trú và đã xuất cảnh, cơ quan điều tra sẽ nhờ Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol cũng đã truy nã đỏ.
Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng đối với Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Hai bị can Phạn Văn Sáng và Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố vì liên quan đến sai phạm tại dự án “Nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP” và “Nhà màng nông nghiệp”. Qua giám định, cơ quan chức năng xác định quá trình triển khai thực hiện hai dự án trên đã gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Thời điểm xảy ra sai phạm, ông Sáng với cương vị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, còn ông Tuấn là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai chịu trách nhiệm chính.
Từ tháng 7/2020, vụ việc của ông Phạm Văn Sáng đã được báo cáo lên Trung ương. Ngày 7/7/2020, sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận định, đối với ông Phạm Văn Sáng, trong thời gian giữ cương vị Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và phẩm chất đạo đức, lối sống, nêu gương, những điều đảng viên không được làm.
Ban Bí thư xác định, ông Phạm Văn Sáng vi phạm các quy định về công tác cán bộ, cố ý làm trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước trong đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công và đầu tư, xây dựng cơ bản, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Những vi phạm này là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của ngành, địa phương và cá nhân những người này, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.
Căn cứ vào quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Văn Sáng (Kết luận của Ban Bí thư).
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt kẻ trốn truy nã lừa hàng chục người ở miền Tây
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.