Thời gian qua liên tiếp phát hiện các đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại nhiều địa phương. Mới đây, trao đổi với báo chí, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo các địa phương rà soát một số doanh nghiệp lợi dụng việc ưu tiên đã đưa người nước ngoài không đủ tiêu chuẩn vào Việt Nam.
Theo tướng Xô, cơ quan chức năng cũng phát hiện dấu hiệu một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đưa những người không phải là công nhân, chuyên gia, không đúng tiêu chuẩn trong chính sách nhập cảnh ưu tiên vào Việt Nam.
Hiện chưa có thống kê về số người cũng như số doanh nghiệp vi phạm cụ thể. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, nếu doanh nghiệp “góp tay” đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thì sẽ bị xử lý như thế nào?
|
Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện có đầy đủ các chế tài hành chính và hình sự để xem xét trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân trong việc phòng chống dịch bệnh cũng như trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, lưu trú của người nước ngoài ở Việt Nam đều sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép của người nước ngoài tại Việt Nam xảy ra thường xuyên, nhiều đối tượng đã bị phát hiện và bị xử lý.
Tuy nhiên, với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, diễn biến phức tạp khó lường, hành vi này là hết sức nguy hiểm có thể đe dọa an ninh trật tự, gây bùng phát dịch bệnh trong nước.
Thực tế, những ca nhiễm mới trong cộng đồng xảy ra tại Đà Nẵng những ngày qua cho thấy nguồn lây từ những bệnh nhân mới này xuất phát từ người nước ngoài và rất có thể là đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bởi vậy, việc siết chặt công tác quản lý về xuất nhập cảnh, cư trú, lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam là điều hết sức cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.
Theo các quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, khi có bệnh truyền nhiễm xảy ra công tác vệ sinh, phòng bệnh, kiểm dịch y tế biên giới là những hoạt động hết sức quan trọng. Bệnh dịch này xuất phát từ nước ngoài nên việc kiểm tra, xử lý y tế, thực hiện các biện pháp để kiểm dịch y tế biên giới sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến việc có kiểm soát được dịch bệnh hay không. Khi ngăn chặn được nguồn lây từ nước ngoài xâm nhập vào, khoanh vùng và xử lý được các trường hợp nhiễm bệnh trong nước mới có thể kiểm soát được loại bệnh dịch này.
Theo quy định của luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, những người mang mầm bệnh, đi qua khu vực có bệnh dịch hoặc tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh thì bắt buộc phải khai báo y tế, kiểm tra y tế, xử lý y tế, sẽ bị cách ly theo quy định để xác định tình trạng sức khỏe.
Theo quy định tại điều 32 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài có thể được tạm trú tại nhà riêng hoặc các cơ sở lưu trú khác trên lãnh thổ Việt Nam. Việc khai báo tạm trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật này.
Theo đó, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
Nếu cá nhân, tổ chức cho người nước ngoài lưu trú mà không khai báo thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể hành vi: Cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú, không hướng dẫn người nước ngoài khai báo tạm trú theo quy định hoặc không thực hiện đúng các quy định khác của cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Như vậy nếu chỉ có hành vi vi phạm quy định về khai báo tạm trú, mức hình phạt chỉ đến 2.000.000 đồng, tuy nhiên ngoài việc không thực hiện hoạt động khai báo tạm trú đúng quy định mà cá nhân, doanh nghiệp có hành vi tổ chức, môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam thì cá nhân sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Còn đối với pháp nhân có hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh, hoạt động cư trú của người nước ngoài cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp người có trách nhiệm trong doanh nghiệp mà vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng theo điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 và văn bản hướng hướng dẫn của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.
Luật sư Cường cho rằng, với các đối tượng vi phạm cần phải xử lý nghiêm bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Với các đối tượng vi phạm đến mức phải xử lý hình sự có thể áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn để xét xử nhanh nhằm tuyên truyền phổ biến cũng như răn đe đối với các trường hợp vi phạm khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quảng Ninh: Bắt 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép