Người phụ nữ truyền cảm hứng cho cộng đồng

Google News

Thầy thuốc ưu tú- BS CK2 Đỗ Thúy Lan là người nặng lòng với trẻ tự kỷ. Bà từng nhận giải thưởng Tầm nhìn của CLB Phụ nữ quốc tế dành cho những người phụ nữ truyền cảm hứng.

BS Đỗ Thuý Lan, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương và hiện là Giám đốc Trung tâm Tư vấn, chăm sóc, phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ (Trung tâm Sao Mai). Năm nay, ở tuổi ngoài 70 nhưng công suất làm việc của bà không thua kém gì người trẻ khiến nhiều người rất ngưỡng mộ.
Nguoi phu nu truyen cam hung cho cong dong
BS Đỗ Thúy Lan, GĐ Trung tâm Sao Mai 
Cơ duyên từ bác sĩ Nhi trở thành bác sĩ Tâm thần 
Tháng 9/1974 tốt nghiệp đại học Y Hà Nội, bác sĩ trẻ Đỗ Thúy Lan được phân công về Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), công tác tại khoa Nhi. Áp lực công việc, khiến bà khá vất vả, thường xuyên phải khám, đỡ đẻ và xử lý cấp cứu...
Do con còn nhỏ, gia đình lại ở Hà Nội, nên vào giữa năm 1977, bà xin chuyển công tác về Hà Nội và được điều về hỗ trợ 1 năm cho Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Vốn là bác sĩ chuyên khoa Nhi, nhưng được phân công nhiệm vụ điều trị bệnh nhân tâm thần, bà tự vấn an mình “nghề đã chọn ta”, rồi lại cần mẫn học hỏi, nghiên cứu, tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực mới. Sau 1 năm làm việc, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của bà đã được đánh giá cao và bà được giữ lại. 
Năm 1978, BS Đỗ Thúy Lan chuyển về Tổ ngoại viện (tiền thân của Trạm bảo vệ sức khỏe tâm thần trực thuộc Bệnh viện Tâm thần Hà nội) sau này là Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.
Nguoi phu nu truyen cam hung cho cong dong-Hinh-2
 Một tiết học của trẻ tự kỷ Trung râm Sao Mai
Nhận nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, bà đã triển khai nghiên cứu mô hình phục hồi chức năng tâm lý xã hội để tái hòa nhập cho bệnh nhân. Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương lúc bấy giờ là bệnh viện đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam áp dụng mô hình chăm sóc bán trú, vừa sử dụng thuốc vừa hoạt động phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân tâm thần. Bệnh nhân không bị cách ly khỏi gia đình nên có thể nhanh chóng tái hòa nhập gia đình và cộng đồng, cơ hội thuyên giảm hoặc khỏi hẳn bệnh cao hơn và còn góp phần giảm tải cho các bệnh viện tâm thần nội trú, giảm chi phí giường bệnh và chi phí của gia đình.
Suốt mấy chục năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, bà đặc biệt quan tâm đến các bệnh nhi. Khi làm lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, bà đã xin thành lập riêng một phòng khám nhi để thăm khám chuyên sâu hơn. 
Nguoi phu nu truyen cam hung cho cong dong-Hinh-3
Trẻ tự kỷ biểu diễn văn nghệ trong dịp khai giảng năm học mới vừa qua 
Cái nghiệp gắn với trẻ tự kỷ
Là phụ nữ, BS Đỗ Thúy Lan rất thấu hiểu nỗi đau của những người mẹ không may có con bị khuyết tật trí tuệ, tự kỷ. Cái nghiệp của bà gắn bó với trẻ tự kỷ còn được mọi người gọi với cái tên thân mật là “bà Lan tự kỷ”.
Năm 1992, được chọn sang Hà Lan học khóa nâng cao về nhi tâm thần, bà mới hiểu rằng phương pháp chữa trị tốt nhất cho các cháu là dùng can thiệp giáo dục kết hợp với thuốc chứ không phải đơn thuần chỉ dùng thuốc đặc trị. Khi về nước, bà đã bắt tay thí điểm ngay phương pháp can thiệp giáo dục trên một nhóm trẻ khuyết tật trí tuệ đầu tiên (gồm 15 trẻ).
Và đến năm 1995, bà Lan đã xin mở Trung tâm Sao Mai với mong muốn các cháu khuyết tật tâm thần, tự kỷ có nơi để đi học như những trẻ bình thường khác.
Năm 2004 về hưu, bà đã dồn hết thời gian, tâm huyết phát triển Trung tâm Sao Mai. Thấy các cháu đi học ở những cơ sở đi thuê, không ổn định cho việc học tập và điều trị bệnh tật nên bà đã chạy đôn chạy đáo xin được 1.000 m2 đất ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, xin tài trợ của tổ chức Atlantic Philantropies (Mỹ) để xây trụ sở học tập, can thiệp. Hiện Trung tâm có khoảng 20 phòng học, phòng trị liệu, phục hồi chức năng, đầy đủ các trang thiết bị can thiệp, trị liệu…
Ở trung tâm này, còn có một quán cafê mang tên Nhân Đạo, một hiệu Photcoppy để học sinh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ ở độ tuổi thanh thiếu niên có cơ hội giao tiếp và có được các kỹ năng cần thiết để hòa nhập tốt hơn. Và tại đây còn có phòng dạy nghề làm bánh để triển khai các dự án hướng nghiệp dạy nghề cho các em, giúp các em sau này có thể tự lập cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tiền thu được từ bán cà phê, bán bánh hay photocoppy sẽ được dùng để tái đầu tư mua nguyên liệu cho các em thực hành và dùng mua sách vở, đồ dùng học tập...
Nguoi phu nu truyen cam hung cho cong dong-Hinh-4
BS Đỗ Thuý Lan khám sàng lọc trẻ tự kỷ  
Tuy làm giám đốc Trung tâm, nhưng hàng ngày bác sĩ Lan vẫn tham gia thăm khám cho trẻ, tư vấn cho phụ huynh, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên Trung tâm và các đơn vị bạn. Lúc nào bà cũng làm việc hết mình, tất cả vì tình thương và trách nhiệm đối với trẻ tự kỷ.
Gần 30 năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ BS Đỗ Thúy Lan đã giúp đỡ cho hàng nghìn trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ hòa nhập cộng đồng, sống tự lập có ích, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Điều mà tôi tự hào nhất trong gần 30 năm gắn bó với trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ là xây dựng được mô hình học tập chuyên nghiệp, hiệu quả với học sinh, mang lại điều gì đó cho đứa trẻ, cho gia đình trẻ, đạt mục tiêu thay đổi chất lượng cuộc sống cho những đứa trẻ đó. Tất cả với mong muốn mang đến cho những đứa trẻ thiệt thòi, kém may mắn một niềm tin và hy vọng, giúp chúng thay đổi số phận, hòa nhập cuộc sống như những người bình thường, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, BS Đỗ Thúy Lan chia sẻ.
Nguoi phu nu truyen cam hung cho cong dong-Hinh-5
BS Đỗ Thuý Lan, GĐ Trung tâm Sao Mai (thứ 3 từ phải qua) tham dự Hội thảo "Hòa nhập và phát triển bền vững" về hợp tác quốc tế tại Thái Lan
Và từ năm 2010, Trung tâm tham gia dự án “Cất cánh” của CSIP (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng), mục tiêu là chuyển giao mô hình can thiệp sớm của Sao Mai cho các tỉnh bạn như Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Ninh... 
Nguoi phu nu truyen cam hung cho cong dong-Hinh-6
 BS Đỗ Thuý Lan cùng các cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai 
Niềm vinh sự nhất là BS Đỗ Thúy Lan đã được nhận giải thưởng Tầm Nhìn 2017 của HIWC (CLB Phụ nữ quốc tế ) dành cho những người phụ nữ truyền cảm hứng. 
Hiện tại, dù đã ở tuổi thất thập, nhưng chưa bao giờ BS Đỗ Thúy Lan cho phép mình “nghỉ hưu”. Hàng ngày, bà vẫn cập nhật sự tiến bộ trong giáo dục trẻ tự kỷ, vẫn đi thăm các trung tâm trẻ tự kỷ ở nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo cho giáo viên Trung tâm...
Nguoi phu nu truyen cam hung cho cong dong-Hinh-7
Bà Sarah Allen - Chủ tịch HIWC (bên trái) trao giải thưởng Tầm nhìn HIWC 2017  cho BS Đỗ Thúy Lan
Những thành công của BS Đỗ Thuý Lan với Trung tâm Sao Mai đã được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng CSIP lựa chọn là 1 trong 27 câu chuyện khởi nghiệp vì cộng đồng từ Việt Nam và thế giới để đăng tải trong cuốn sách “Thành công theo cách khác”. 
Hiện Trung tâm Sao Mai là một trong những cơ sở lớn nhất ở Hà Nội trong lĩnh vực can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, được các khoa giáo dục đặc biệt của Trường ĐHSP Hà Nội, Trường cao đẳng mẫu giáo T.Ư chọn là nơi thực hành cho sinh viên. Mỗi năm, Trung tâm can thiệp cho từ 300 - 350 trẻ tự kỷ, trong đó học sinh bán trú gần 200 cháu, giải quyết công ăn việc làm cho gần 90 cán bộ, giáo viên. Mỗi năm có hơn 60 cháu ra học hòa nhập mẫu giáo, tiểu học.
Bình Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)