Ngày 13/12, lãnh đạo Công an xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, ngày 12/12, đơn vị đã xuống làm việc với nhóm người xuất hiện trong clip vây bắt rắn hổ mang nặng gần 20kg. Tuy nhiên, nhóm người dân ở thôn Đồng Tâm không thừa nhận là bắt được con rắn khổng lồ”và nói chỉ nghe qua về sự việc.
“Đến sáng nay (13/12), chúng tôi tiếp tục làm việc với chủ xưởng gỗ bà Hoàn (nơi người dân bắt được con rắn) nhưng cũng không có thêm thông tin. Chủ xưởng gỗ nói thời điểm người dân vây bắt con rắn, họ không có ở xưởng mà ra ngoài có việc”, lãnh đạo Công an xã Ngọc Thanh nói.
Mời độc giả xem video Người dân vây bắt rắn "khổng lồ" ở Vĩnh Phúc (nguồn: Minh Đức):
Ông Bùi Duy Thức, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cho hay, cũng trong ngày 12/12, ông cùng với cơ quan công an đi xác minh nhưng đều không có kết quả về con rắn.
“Anh em kiểm lâm cũng đi hỏi rất nhiều người dân nhưng họ đều nói từ nhiều đời nay chưa bao giờ thấy có xuất hiện loài rắn hổ mang chúa to như trong đoạn clip. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang xác minh thêm về nguồn gốc của con rắn”, ông Thức nói.
Ông Thức cho biết thêm, khu vực trước cửa xưởng gỗ bà Hoàn đều là rừng trồng bạch đàn và thường xuyên có người dân đi lại, thêm nữa không có hộ dân nào ở xã Ngọc Thanh nuôi rắn. Vì vậy, ông Thức cho rằng, có thể con rắn “khổng lồ” này là do người dân ở nơi khác vận chuyển qua thôn Đồng Câu để xổng ra ngoài, sau đó người dân tập trung bắt lại.
“Hiện nay đang là mùa đông, thời tiết những ngày qua rất lạnh, nhiệt độ xuống dưới 20 độ C nên theo tập quán, các loài rắn sẽ không ra khỏi hang hay đi kiếm ăn mà đều đã ngủ đông. Do vậy, chúng tôi khẳng định chắc chắn không thể có con rắn hổ mang chúa tự nhiên lớn đến như vậy ở khu vực này đi ra rồi bị người dân bắt lại", ông Thức nói thêm.
Theo ông Thức, nếu đúng con rắn người dân bắt được là rắn hổ mang chúa thì phải giao nộp cho cơ quan chức năng. Trường hợp cơ quan chức năng xác định được người dân vô tình bắt được con rắn thì sẽ không bị xử phạt.
“Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng điều tra ra người dân cố tình bắt rắn nằm trong danh sách đỏ và có hành vi buôn bán, giết hại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người dân vi phạm có thể bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm”, ông Thức chia sẻ.
|
Hình ảnh ghi lại cảnh người dân bắt được con rắn “khổng lồ”.
|
Trước đó, ngày 11/12, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh người dân dùng kích điện đánh cá để vây bắt một con rắn lớn. Theo clip, người dân bất ngờ phát hiện ra con rắn ẩn nấp dưới một bệ sắt có khe rỗng. Con rắn chui đầu vào bên trong, lộ phần đuôi ra ngoài.
Sau đó, nhiều người tri hô nhau vây bắt. Một người đàn ông dùng kích điện gí vào thân con rắn khiến nó bị tê liệt. Tiếp theo, một nhóm người kéo đến, cùng nhau lôi con rắn ra khỏi nơi ẩn nấp. Khi kéo con rắn ra, những người dân chứng kiến đều hoảng hốt nhận thấy nó quá “khủng”.
Ngày 12/12, anh Hà Minh Đức (34 tuổi, quê Thái Nguyên, người quay clip) kể lại: “Con rắn dài khoảng hơn 4m, thân to như bắp đùi người lớn. Bụng rắn màu trắng, thân màu đen có các vằn trắng, cân nặng khoảng 20kg. Một số người dân cho rằng đây là loài rắn hổ mang chúa”.
Theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ, rắn hổ mang là động vật quý hiếm cần được bảo tồn, bảo vệ. Hành vi vi phạm đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tùy theo mức độ, giá trị tang vật sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỉ đồng đối với tổ chức hoặc sẽ bị xử lý hình sự.