MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ XEM VIDEO: Hãi hùng rắn hổ mang chúa nuốt chửng đồng loại trong tích tắc (Nguồn: ViralHog)
Cảnh tượng rắn hổ mang chúa đói bụng nhanh chóng nuốt chửng con rắn hổ chỉ trong vài phút ngắn ngủi khiến người xem không khỏi kinh ngạc với sự sinh tồn tàn khốc trong tự nhiên.
Cảnh quay hổ mang chúa nuốt chửng đồng loại được ghi tại Hendersonville, bang Tennessee, Mỹ, cho thấy cảnh con rắn hổ mang khống chế và nhanh chóng ăn thịt được rắn hổ. Được biết, rắn hổ không phải loài rắn độc, trong khi rắn hổ mang chúa có nọc độc chết người.
Rắn hổ mang chúa có tên khoa học là Ophiophagus hannah, là loài rắn thuộc họ Elapidae (họ Rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là 7 m.
Danh từ "rắn hổ mang" nằm trong tên gọi thông thường của loài rắn này nhưng chúng không thuộc chi Naja (chi rắn hổ mang thật sự). Đây là loài duy nhất thuộc chi Ophiophagus. Con mồi của rắn hổ mang chúa chủ yếu là những loài rắn khác, thậm chí loài rắn này còn ăn thịt đồng loại. Khi con mồi chủ yếu khan hiếm, rắn hổ mang chúa sẽ ăn một vài loại động vật nhỏ có xương sống như thằn lằn, gặm nhấm.
Rắn hổ mang chúa có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Loài rắn này tiết ra chất độc và chứa trong 1 túi cơ của tuyến nọc nằm ở vòm họng. Túi cơ này sẽ co bóp đưa nọc độc đến răng nanh khi chúng tấn công con mồi. Trong nọc độc của rắn hổ mang có độc tố tác động đến hệ thần kinh, làm cho con mồi bị tê liệt thần kinh và hôn mê. Trong một số trường hợp loài rắn này không phóng ra nọc độc khi cắn.
Rắn hổ mang chúa sống trên mặt đất, nhưng leo cây và bơi lội rất giỏi. Tuy thân hình to lớn nhưng tốc độ di chuyển của rắn hổ mang chúa khá nhanh. Rắn có thể săn mồi suốt cả ngày, hiếm khi bắt gặp chúng vào ban đêm.