Mất ngủ vì... từ thiện
Tháng 10/2015, con trai ông Ba, anh Lê Công Huy (31 tuổi) trong một lần đi vẽ thuê không may ngã từ tầng 5 của công trình xuống đất bị đa chấn thương. Chạy vạy khắp nơi, bán hết ruộng nương, ông Ba cũng gom được gần 900 triệu đồng để chữa trị cho con. Nhưng cũng chỉ tới ngày thứ 20, ông Ba đành đau đớn ôm di hài con trai về quê. Anh Huy mất, để lại hai con nhỏ cùng người vợ khi ấy lại mang bầu đứa thứ ba.
Nỗi đau không dừng lại, 7 tháng sau, vào ngày đi làm cuối cùng trước khi nghỉ sinh, người vợ tội nghiệp ấy gặp tai nạn giao thông rồi tử vong cùng hài nhi trong bụng. “Tôi vẫn bảo thằng con tôi nó bạc, nuôi tới 31 tuổi đầu lại bỏ đi để lại gánh nặng cho vợ con. Thế mà chưa đầy năm sau, con dâu cũng lại bỏ nhà đi nốt”, giọng ông Ba méo đi, nước mắt lại trào ra trên gương mặt nhăn nhúm đen sạm.
Con trai mất, con dâu cũng không còn, ngẫm cảnh gia đình quẫn bách, nhiều lúc ông Ba cũng muốn chết đi cho xong mọi sự! Nhưng rồi nhìn hai đứa trẻ mồ côi, ông lại nuốt nước mắt vào trong, gắng cùng vợ ẵm bồng trông nom các cháu qua ngày đoạn tháng.
Trong căn nhà siêu vẹo, tường vôi ẩm thấp bong tróc từng mảng, ông Ba chỉ tay vào chiếc bàn học còn mới, vài chiếc quạt, chiếc tivi cũ...bảo đều là những đồ được cho. “Từ ngày mẹ các cháu mất, nhiều đoàn thể đến thăm nom, có người cho tiền, có người cho gạo, mì tôm, sách vở...Vợ chồng tôi thì sống chết cũng phải tìm mọi cách chuộc lại mấy sào ruộng để còn có cái ăn. Chứ bây giờ người ta ủng hộ, chả nhẽ ông bà lại ăn của các cháu thì sao đành?", ông nói
|
”Vợ chồng ông Ba cùng hai cháu nhỏ bên căn nhà siêu vẹo. |
Nhắc tới chuyện từ thiện, vợ chồng người nông dân quê nghèo giờ đây lại cảm thấy... lo sợ: “Có người chả biết ở đâu cứ quanh quẩn ở nhà tôi từ sáng đến tối chỉ để hỏi thăm vẩn vơ, mãi tới khi tôi chạy qua nhờ hàng xóm sang cho đỡ hiu quạnh thì người lạ mới lặng lẽ rút đi; có đoàn đến lại cứ tra hỏi vợ chồng tôi được từ thiện bao nhiêu? Sổ tiết kiệm người ta ủng hộ các cháu để ở đâu?... Sợ lắm, nhà chẳng có gì nhưng đêm cũng không dám ngủ!”, vợ ông Ba chia sẻ.
Giễu cợt nỗi đau
Nỗi sợ từ thiện trá hình ngày một tăng sau khi số phận éo le cùng số điện thoại của ông Ba được đăng lên mặt báo.
Cách đây hơn 1 tháng, ông Ba lại nhận được cuộc gọi từ một người xưng danh hội từ thiện ở Hàng Chuối, Hà Nội, hỏi tôi số tài khoản để chuyển tiền giúp đỡ. “Anh ta bảo sẽ chuyển khoảng 5-6 triệu đồng nhưng muốn được ủng hộ phải ra mua cho anh ấy 3 cái thẻ điện thoại, mỗi cái 100.000 đồng. Tôi nào có suy tính được gì, nghe vậy thì cũng chạy đi mua thẻ. Rồi qua điện thoại, anh ấy còn bảo tôi cào, đọc chuẩn số trên thẻ. Đọc xong cái thứ nhất, anh ấy còn hỏi thăm: “Các cháu ở nhà có ngoan không”? Lúc đọc xong cái số thẻ cuối cùng, anh ấy nói chắc nịch rằng cứ yên tâm tiền sẽ chuyển tài khoản. Ấy vậy mà nào có thấy gì, mọi người biết chuyện ai cũng cười bảo tôi bị lừa rồi...”, ông Ba kể.
Chưa hết, hai hôm sau lại có thanh niên cao to vào nhà ông Ba lấy cớ đoàn từ thiện của mình đang về nhưng bị lạc, điện thoại lại hết tiền, xin chủ nhà cho 100.000 đồng để nạp thẻ. “Anh ấy nói y như thật, tôi lại cả tin cũng mang tiền ra cho. Thế rồi người mất hút chả biết đi đâu...”, người đàn ông khốn khổ nhớ lại.
Tuy nhiên, theo ông Ba, cám cảnh nhất là trường hợp đoàn người tự xưng Hội từ thiện B.T tới trao tiền ủng hộ. “Đoàn có gồm 5 người cả trai lẫn gái, nói năng cũng dễ nghe. Sau khi ân cần thăm hỏi, họ bảo tôi bế cháu đứng cùng đoàn, đeo vào cổ tôi tấm bìa các tông có ghi nội dung: “Hội từ thiện B.T ủng hộ ông Lê Công Ba....” rồi chụp hình, quay phim... Họ nói tiền đang để ngân hàng, ngay hôm sau sẽ chuyển khoản, rồi cầm tấm bìa ra về, không để lại manh mối”, ông Ba cho hay.
Một ngày rồi một tuần, một tháng trôi qua, ông vẫn ngậm ngùi trông mong vào lời hứa hẹn kia. “Tới hôm nay là 2 tháng, 12 ngày vẫn không thấy... chắc là cũng thôi rồi còn gì? “Đau lắm, nhục lắm nghĩ gia cảnh đến mức này mà vẫn có nhà tới lừa, bắt chụp hình thì còn biết sống làm sao?”.
Trước những câu chuyện trên, trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Sinh, Phó ban phụ trách Ban Phong trào, Ủy ban TƯ Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam nhận định: Không thể phủ nhận phong trào làm từ thiện đang gây hiệu ứng tốt trong xã hội song một vài nơi xuất hiện trường hợp bị lợi dụng để lừa đảo, làm từ thiện chỉ để ghi danh, lấy hình ảnh... “Những hành vi tiêu cực này đã xúc phạm hoạt động từ thiện chân chính, cần cảnh giác cho những người nghèo, khó khăn không nên bị mắc lừa hoạt động từ thiện trá hình”.
>>> Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):