Mới đây, dư luận cả nước lại xôn xao trước thông tin bảo vệ tại trường THCS Tân Tạo A (quận Bình Tân, TP HCM) bị tố dâm ô một nữ sinh đang theo học tại trường này.
Theo đó, ngày 1/10, nữ sinh T. đã gọi điện về cho gia đình và cho biết đã bị một bảo vệ của trường có hành vi dâm ô trong nhà vệ sinh. Ngay sau đó, gia đình bé gái đã đến trường học và yêu cầu làm rõ sự việc.
Hiện lãnh đạo quận Bình Tân đã chỉ đạo Công an quận, Phòng GD&ĐT, các cơ quan chức năng quận, phường vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ sự việc. Nhà trường cũng đã đình chỉ công tác với bảo vệ bị tố dâm ô nữ sinh.
Dù sự việc đang được điều tra làm rõ nhưng đã tiếp tục dấy lên những lo lắng cho các bậc phụ huynh, bởi thời gian qua, trường học được đánh giá là nơi an toàn đã không còn “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” khi liên tiếp xảy ra những vụ việc dâm ô, hiếp dâm mà các đối tượng gây ra sự việc lại chính là giáo viên, bảo vệ, thậm chí cả hiệu trưởng.
|
Trường THCS Tân Tạo A, quận Bình Tân.
|
Không khó để lấy ví dụ về những vụ việc học sinh bị dâm ô, hiếp dâm ngay tại trường học như vào tháng 4/2019, dư luận cả nước phẫn nộ bởi một nam giáo viên trường THCS số 2 Thượng Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã nhiều lần quan hệ tình dục với một nữ sinh lớp 8 ngay tại phòng trực bán trú tại trường dẫn đến nữ sinh lớp 8 mang thai.
Cũng trong tháng 4/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Chung (50 tuổi, nguyên là giáo viên tổng phụ trách đội của một trường tiểu học tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) tù chung thân về 2 tội hiếp dâm trẻ em và dâm ô đối với trẻ em. Lợi dụng quan hệ thầy trò, bị cáo Chung đã nhiều lần gọi các em học sinh lớp 1 và lớp 3 vào phòng làm việc trong thời gian nghỉ giải lao giữa giờ để sàm sỡ trong suốt thời gian dài.
Trước đó, vào tháng 6/2018, một giáo viên tại một trường tiểu học ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị tuyên án 6 năm tù giam, cấm hành nghề 5 năm sau khi có hành vi dâm ô (không có giao cấu) với 7 nữ sinh lớp 3 của trường.
Đây chỉ là một số vụ việc xảy ra ngay tại trường học còn nhiều vụ việc khác xảy ra ngoài nhà trường mà thủ phạm chính là những giáo viên. Tuy nhiên, dù xảy ra tại trường học hay bên ngoài trường học thì những giáo viên gây ra vụ việc cũng khiến dư luận hết sức lên án. Mặc dù một số giáo viên, nhân viên bảo vệ, thậm chí hiệu trưởng đã bị kỷ luật, thậm chí bị bắt giam song các sự việc tương tự vẫn tiếp diễn khiến tình trạng vi phạm đạo đức của nhà giáo hiện nay đã ở mức báo động. Đồng thời cho thấy trường học không còn là nơi an toàn như khẩu hiệu vốn có.
Những vụ việc học sinh bị dâm ô, thậm chí trở thành nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục ngay tại trường học cho thấy, những đối tượng thân quen với học sinh, được học sinh tin tưởng như giáo viên, bảo vệ nhà trường thì ý thức cảnh giác của học sinh không được thể hiện đầy đủ khiến các đối tượng dễ lạm dụng, thực hiện hành vi đồi bại.
Xâm hại tình dục học đường không chỉ khiến các phụ huynh có con nhỏ nơm nớp lo sợ khi con đến lớp đến trường mà còn gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà trường và ngành giáo dục khi đâu đó vẫn có những con “quỷ râu xanh” đội lốt giáo viên, nhân viên bảo vệ trường. Trường học vốn là nơi được cho là an toàn khi thầy, cô giáo được ví như mẹ hiền, bảo vệ nhà trường được xem như người thân lại chính là những người thực hiện những hành vi dâm ô, hiếp dâm học sinh. Báo động hơn, những hành vi xâm hại tình dục học sinh cũng rất đa dạng mà nếu các em không có kỹ năng phòng tránh rất dễ trở thành nạn nhân.
Dù biết rằng, những sự việc trên chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” và không phải là nhiều so với tổng số trường học, tuy vậy vẫn rất đáng lo ngại. Bởi trường học phải thực sự trở thành nơi an toàn, nơi tuyệt đối không thể xảy ra những vụ việc xâm hại tình dục học sinh thì thời gian qua lại xảy ra không ít vụ việc. Trong khi đó, các học sinh bị xâm hại đa số tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có cả học sinh lớp 2, các em sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý lẫn thể chất khi bị chính những thầy giáo, những nhân viên bảo vệ dâm ô, hiếp dâm.
Xét từ thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc trên. Trong đó, nguyên nhân khách quan đến từ quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn có lỗ hổng, chế tài xử lý các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em chưa đủ sức răn đe; hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức vấn đề bảo vệ trẻ em của một bộ phận người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn hạn chế; công tác quản lý trẻ em trong gia đình, nhà trường còn chưa chặt chẽ; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được đầu tư đúng mức; các thành viên trong gia đình, giáo viên chưa có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Kỹ năng sống nói chung, kỹ năng tự bảo vệ nói riêng của trẻ em còn thiếu và yếu.
Bên cạnh đó, sự tha hóa, biến chất, xuống cấp của một bộ phận giáo viên, nhân viên bảo vệ thì việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại nhiều nơi còn nhiều bất cập khi học sinh chưa phân biệt được các hành vi xâm hại, các cách phòng tránh và tố giác thủ phạm. Trong khi đó, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra “phản ứng ngược” từ cộng đồng, gây bức xúc xã hội.
Từ những vụ việc đã xảy ra, một câu hỏi không mới lại được dư luận đặt ra thầy giáo, bảo vệ tha hoá, bảo vệ nữ sinh thế nào?
Muốn ngăn chặn đẩy lùi thực trạng học sinh bị xâm hại tình dục đầu tiên phải đặt vấn đề trách nhiệm. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về ngành giáo dục và các nhà trường khi môi trường giáo dục được coi là an toàn sạch sẽ lại xảy ra những vụ việc thầy giáo, nhân viên bảo vệ vốn là những người truyền dạy kiến thức làm người, bảo vệ sự an toàn cho các em học sinh tại trường học lại có hành vi quan hệ, dâm ô học sinh ngay tại trường.
Tuy nhiên, để nhà trường thực sự an toàn, không thể giao hết trách nhiệm cho hiệu trưởng được mà ngành giáo dục cần phải siết chặt kỷ luật, loại bỏ những giáo viên, nhân viên bảo vệ biến chất, thiếu tư cách, đạo đức, có biểu hiện lệch chuẩn.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục, nhà trường, thậm chí cả phụ huynh cần tăng cường giáo dục giới tính cho học sinh ở cả gia đình và nhà trường. Một vấn đề được đặt ra đã lâu nhưng chưa thực hiện được đó là hệ thống pháp luật cần phải tăng nặng hình phạt đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều vụ việc chưa được xử lý nghiêm minh, mức phạt quá nhẹ chưa đủ sức răn đe dẫn đến gia đình, nạn nhân ngại khai báo.
Thực tế dù theo các quy định của pháp luật Việt Nam, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số lỗ hổng và thiếu quy định rõ ràng về hành vi dâm ô trẻ em, khiêu dâm trẻ em. Thực tế trên thế giới, những hành vi xâm hại tình dục trẻ em phần lớn đều có chế tài và biện pháp xử lý rất nghiêm khắc như tại Pháp tội phạm phạm tội xâm hai, dâm ô trẻ em dưới 15 tuổi có thể bị phạt từ lên đến 20 năm tù giam.
Từ đó, đòi hỏi sự cấp thiết phải có những chế tài mạnh mẽ hơn. Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu các cơ quan Công an, Viện kiệm sát, Tòa án nhân dân các cấp cũng phải khẩn trương điều tra, kết luận, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án xâm hại tình dục học đường, xử lý nghiêm minh để mang tính răn đe.
“Nhà trường là nơi an toàn” không phải là khẩu hiệu cho có mà ngành giáo dục cần có những giải pháp mạnh mẽ, thậm chí đẩy thành phong trào với sự tham gia cả giáo viên, cán bộ ngành giáo dục và chính quyền các cấp một cách quyết liệt thì mới hạn chế, chấm dứt vấn nạn xâm hại tình dục học sinh ngay tại trường học.