Di tích lầu Bảo Đại ở Nha Trang bị "phá nát", ai chịu trách nhiệm?

Google News

Nhiều biệt thự tại di tích lầu Bảo Đại (đường Trần Phú, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, cảnh quan di tích này bị phá nát vì tỉnh giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án khu du lịch (resort) nghỉ dưỡng 5 sao.

Di tích xuống cấp trầm trọng

Khu di tích lầu Bảo Đại (còn gọi là biệt thự Cầu Đá) rộng hơn 12 ha, được người Pháp xây dựng trên núi Cảnh Long vào năm 1923 để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Tại đây có 5 tòa biệt thự được xây dựng theo kiến trúc của Pháp được đặt tên gắn với cây trồng xung quanh như: Xương Rồng, Hoa Sứ, Hoa Giấy, Phượng Vỹ và Cây Bàng.

Sau năm 1954, biệt thự Xương Rồng được đổi tên thành Nghinh Phong, còn biệt thự Hoa Sứ đổi thành Vọng Nguyệt. Từ năm 1940 - 1945, Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó. Tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận lầu Bảo Đại là di tích “danh lam thắng cảnh”.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, hiện cả 5 ngôi biệt thự ở lầu Bảo Đại bị xuống cấp do nhiều năm không được trùng tu, bảo dưỡng. Đơn cử như biệt thự Cây Bàng, ngay căn phòng lớn từ cửa bước vào, 4 bức tường bị khoan lỗ chi chít để bắt ốc vít, giăng dây phơi khăn tắm, ga giường.

Còn hệ thống cửa thì mục nát, nhiều cánh bị bung hẳn ra, ở chỗ khác thì được gia cố bằng cách lấy thanh gỗ đóng đinh ép lại. Trừ biệt thự Nghinh Phong và Vọng Nguyệt được dọn dẹp để đón khách sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, các ngôi biệt thự còn lại gạch nền đã bong tróc và nhiều nơi bị thấm dột. Ở vị trí trung tâm, một ngôi biệt thự đã bị biến thành văn phòng làm việc của Công ty CP Đầu tư Khánh Hà.

Di tich lau Bao Dai o Nha Trang bi
 Phát nát đồi núi để làm resort 5 sao

Phá nát đồi núi để làm resort 5 sao!

Sau năm 1975, những biệt thự cổ trên lầu Bảo Đại được giao cho hết cho cơ quan này đến doanh nghiệp khác quản lý, sử dụng. Đến tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa giao di tích lầu Bảo Đại cho liên doanh Khatoco và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao.

Tháng 8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13,6 ha đất, gồm toàn bộ khu di tích lầu Bảo Đại và mặt nước danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang cho Công ty CP đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Theo thiết kế, khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại sẽ xây mới 36 căn biệt thự, 5 căn biệt thự cổ hiện hữu được cải tạo, thay đổi công năng. Ngoài ra, ở đây sẽ có các hạng mục khác như nhà hàng, quán bar, khách sạn cao 5 tầng...

Sau khi được giao dự án, Công ty CP đầu tư Khánh Hà cho máy móc cạo trọc cả ngọn núi Cảnh Long để xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... Trong đó, một số vị trí được đào sâu vào lòng đất để xây công trình ngầm. Sau 5 năm thi công, khu di tích lầu Bảo Đại từ một ngọn núi quanh năm rợp bóng cây xanh trở nên trơ trọi với đất đá, sắt thép, bê tông.

Theo KTS Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, việc cấp phép dự án ở di tích Lầu Bảo Đại là “sự việc đã rồi và rất khó sửa chữa”. Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là tỉnh Khánh Hòa phải làm sao giữ cho bằng được 5 ngôi biệt thự cổ, không cho tàn phá thêm.

Vào năm 2017, khi dư luận lên tiếng về việc di tích lầu Bảo Đại bị doanh nghiệp phá nát, UBND tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục thực hiện. Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Khánh Hà, cho biết: Hiện công ty đã tạm ngừng thi công tất cả các hạng mục, trình lên UBND tỉnh Khánh Hòa phương án điều chỉnh quy hoạch mới của dự án.

Theo đó, các công trình mái ngói sẽ thay đổi bằng cách phủ cỏ, cây xanh, đồng thời giảm chiều cao xây dựng để giật cấp theo địa hình. Dự án cũng bỏ công trình trung tâm hội nghị, một căn biệt thự tại ô V7 để quy hoạch nhà phụ trợ, dịch vụ... Công ty cũng đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở để xin giấy phép xây dựng và triển khai thi công dự án lại trong năm 2019.

 

Lập hồ sơ khoa học để bảo tồn, xếp hạng

Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Khánh Hoà, cho biết: Vào tháng 8/2018, di tích lầu Bảo Đại lần đầu được đưa vào danh mục kiểm kê di tích và UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn. Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Khánh Hoà đang triển khai việc lập hồ sơ khoa học “danh lam thắng cảnh” khu biệt thự lầu Bảo Đại để trình UBND tỉnh xếp hạng.

“Việc lập hồ sơ di tích lầu Bảo Đại không dễ vì nơi này đã giao cho doanh nghiệp làm dự án nhiều năm nay. Trong khi đó, 5 ngôi biệt thự cổ đã bị sửa chữa, cải tạo làm mất đi yếu tố gốc, hiện vật bị thất lạc. Dù chưa được xếp hạng, nhưng lầu Bảo Đại vẫn thuộc đối tượng bảo vệ theo Luật Di sản. Đây là cụm công trình có yếu tố lịch sử và từ năm 1995 UBND tỉnh đã công nhận lầu Bảo Đại là di tích danh lam thắng cảnh”, ông Hà cho hay.

Theo Lữ Hồ/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)