Liên quan đến bài viết "Nghi vấn dấu hiệu trục lợi bảo hiểm ở Sơn La" mà Kiến Thức đã phản ánh ở bài trước. Trong quý I/2019, bệnh nhân khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (KCB BHYT) tại bệnh viện Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y Dược cổ truyền Sơn La tăng đột biến khiến ngân sách chi cho KCB BHYT tăng đột biến gần chục tỷ đồng so với quý I/2018.
Sự việc bất thường này khiến UBND tỉnh Sơn La ra công văn chỉ đạo làm rõ nghi vấn dấu hiệu trục lợi bảo hiểm.
Mời quý vị độc giả xem video: Tình trạng trục lợi bảo hiểm, nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế, xã hội
PV Kiến Thức đã tìm đến tận những thôn bản, xã có hàng trăm bệnh nhân "bỗng dưng" kéo nhau đi khám, chữa bệnh và nằm viện, ra viện cùng một ngày để làm rõ nguyên nhân.
Gom bệnh nhân đi khám Bảo hiểm Y tế
Trong quá trình đi tìm hiểu nguyên nhân hàng trăm người cao tuổi cùng đi khám bệnh, nhập viện và ra viện cùng ngày, trả lời PV, ông Trần Trung Thịnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Gia Phù (Phù Yên, Sơn La) cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, xã Gia Phù chúng tôi có trên 200 cụ tham gia chương trình khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La, tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay có hơn 100 cụ tham gia.
Cứ hết mùa vụ thì tôi lại tổ chức đi, Hội chúng tôi tổ chức mỗi một lần đi từ 15 đến 20 người, mỗi lần đi như vậy tôi lại thuê xe cho mọi người.
Khi Bệnh viện Phục hồi chức năng có công văn gửi xuống xã, tôi thông báo đến các bản, các cụ nào ốm yếu, có nhu cầu phục hồi chức năng, đặc biệt những người nào có những bệnh như tai biến, méo miệng, đi lại khó khăn hay bị về dạ dày, bệnh tim mạch... các chi hội tổng hợp danh sách rồi gửi lên cho tôi.
Nếu như trường hợp có 15 đến 20 người tham gia tôi lại thuê xe để đưa họ đi, cũng có lúc tôi liên hệ với xe 29 chỗ rồi 'gửi' các cụ lên bệnh viện rồi tôi thu tiền của các cụ trả cho lái xe".
|
Ông Trần Trung Thịnh (áo trắng) Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Gia Phù, Phù Yên, Sơn La. |
Khi PV đề nghị được phỏng vấn vài cụ đã từng đi khám, ông Thịnh hẹn sang buổi chiều với lý do là các cụ ở xa, khó tập hợp.
Chiều cùng ngày, khi chúng tôi xuất hiện ở UBND xã, đã thấy có 6 người cao tuổi chờ sẵn ở đó. Cả 6 cụ đều có chung 1 câu trả lời giống nhau. Cụ thể, nghe Hội Người cao tuổi phổ biến, các cụ hẹn nhau tập trung lại để đi.
Ngày 14/1/20119, hơn 60 người cao tuổi ở Gia Phù lên nhập viện Phục hồi chức năng tỉnh. Các cụ kể, được tiếp đón, đưa vào thăm khám chữa bệnh, đồng loạt ngày 28/1/2019, lại cùng nhau xuất viện trở về quê. Tổng cộng 15 ngày nằm viện theo danh sách yêu cầu thanh toán BHYT mà Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đã cung cấp.
Ngày 13/2/2019, hơn 20 cụ ở xã Gia Phù lại kéo lên thăm khám đợt 2 ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La. Lần này, hầu hết các cụ đều nằm viện 21 ngày, tức ngày 5/3/2019 mới lục tục về quê, với mã bệnh về đau xương khớp.
|
PV Kiến Thức trao đổi với các cụ người cao tuổi xã Gia Phù. |
“Là Chủ tịch Hội Người cao tuổi nên tôi cũng đã tổ chức họp Ban chấp hành Hội rồi thông báo Chương trình của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, trong cuộc họp cũng nói rõ những ai có thẻ dân tộc, thẻ hộ nghèo thì nhà nước sẽ hỗ trợ toàn phần từ tiền ăn, tiền ở, tiền xe cộ... là miễn phí..”, ông Trần Trung Thịnh nói.
Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với chính phần trả lời trước đó của ông Thịnh khi cho biết, để trả tiền thuê xe, ông thu tiền của các cụ già. Vậy, trong số những người thuộc diện được miễn phí, khoản tiền xe, tiền ăn ở... sẽ do đơn vị nào và nguồn kinh phí nào chi trả?
Lý do nào khiến Hội Người cao tuổi đứng ra tổ chức một cách nhiệt tình như vậy? Việc tập trung hàng trăm trường hợp đi khám chữa bệnh BHYT phải chăng là gom bệnh nhân?... Những câu hỏi này, ông Thịnh không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.
Điều bất thường là cả trăm bệnh nhân cùng khám, nhập viện và ra viện cùng ngày, cùng mã bệnh.
"Có người đến vận động đi nằm viện"?
Sau khi khảo sát một số xã, PV đi từ cấp xã, tiếp xúc các cán bộ xã và đề nghị họ giới thiệu người dân để phỏng vấn thì câu trả lời nhận được gần như là tương tự nhau.
Để đối chiếu, PV Kiến Thức thực hiện xác minh độc lập với người dân ở các bản làng đi khám chữa bệnh mà không thông qua sự giới thiệu của xã.
Cụ Lò Thị Kìa, và cụ Lò Thị Dẻ, ở bản Nà Mè trên, xã Chiềng Ve (Thẻ BHYT mang mã DT2) khẳng định: "Được chị Phương, một người trên trạm y tế xã thông báo cho đi khám chữa bệnh vào ngày 14/1/2019".
Trước đó, có 2 người xưng là trên bệnh viện tỉnh tìm về tận xã, có gặp gỡ một số cụ, phổ biến và mời lên tỉnh khám chữa bệnh.
|
Cụ Lò Thị Kìa và cụ Lò Thị Dẻ. |
“Bà đâu có nhu cầu gì đâu, nhưng họ bảo tổ chức cho lên tỉnh khám chữa bệnh, được an dưỡng, lại không mất đồng nào, thì bà lên thôi. Cũng là một dịp được lên thành phố.
Họ tốt lắm, cho đi thăm khám tử tế, ăn uống đầy đủ, bà nằm ở viện 12 ngày” - cụ Lò Thị Kìa nói.
Ở các bản khác, như cụ Lò Thị Chom, ông Quàng Văn Phái, cụ Lường Thị Bua… cũng cho biết thông tin tương tự. Nghĩa là, có người về vận động các cụ đi chữa bệnh miễn phí trên tỉnh, các cụ chỉ biết lên xe và đến viện khám rồi nằm viện và ra viện cùng một ngày. Sau đó lại có xe đưa về nhà.
|
Bản Nà Mè trên, xã Chiềng Ve, Mai Sơn, Sơn La có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. |
Theo một thống kê từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La, ở Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai, Sơn La) có 101 người cao tuổi nhập viện vào các ngày 19/3, 20/3, 21/3 và 5/4/2019.
Xã Chiềng Khừa (Mộc Châu, Sơn La) có 90 người nhập viện vào các ngày 15/2, 6/3, và 7/3/2019.
Xã Phiêng Pằn (Mai Sơn, Sơn La) có tới 152 người cao tuổi đồng loạt nhập viện vào các ngày 5/3, 11/3, 19/3 và 2/4/2019.
Còn một loạt các xã khác cùng đồng loạt kéo nhau đi viện như xã Liên Hòa (Vân Hồ), xã Tông Lạnh (Thuận Châu), xã Mường Lèo (Sốp Cộp)…
|
Bệnh viện Y Dược cổ truyền Sơn La. |
Ra viện không phát thuốc, không hẹn tái khám
Các trường hợp mà PV Kiến Thức ghi nhận đều cho biết, khi ra viện họ chỉ nhận được duy nhất tấm thẻ bảo hiểm mang về. Trong khi đó, với những bệnh chữa trị dài ngày ở bệnh viện, đáng lẽ khi xuất viện, họ sẽ được cấp phát thuốc điều trị tại nhà, hay có hẹn ngày tái khám… tuy nhiên những trường hợp này đều không có.
Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La nói: "Đó là một trong những cái khó của ngành bảo hiểm khi đi xác minh trước tình trạng bênh nhân gia tăng đột biến và chi phí KCB BHYT cũng tăng vọt bất thường.
Lúc đầu, Bảo hiểm xã hội có nghi ngờ hồ sơ giả và tiến hành kiểm tra, nhưng đúng là người bệnh có, thời gian chữa bệnh có, lại ở những địa phương xa tít tắp, địa hình hiểm trở, rất khó khăn cho việc làm rõ những khuất tất trong câu chuyện này."
Như vậy có thể thấy, việc người bệnh là có thật, khám chữa bệnh cũng có thật. Dẫu biết rằng việc chăm sóc sức khỏe cho người già, đặc biệt là các trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn là rất nhân văn và đáng quý nên phát huy và duy trì thường xuyên. Song, rõ ràng trong sự việc này có nhiều dấu hiệu bất thường khi các cụ được vận động đi nằm viện, điều mà trước nay không hề có. Trong hàng trăm bệnh nhân ấy, mã khám chữa bệnh lại trùng khớp nhau, cùng nhập viện và ra viện một ngày...
Từ những bất thường này, UBND tỉnh Sơn La đã yêu cầu làm rõ để tránh trường hợp trục lợi bảo hiểm y tế.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.