Nghệ An đề nghị Quân đội hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ

Google News

Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ ngày 28-31/10 đã có mưa to đến rất to, có nơi mưa đặc biệt to, gây thiệt hại nặng tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Tính đến chiều 1/11, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 5 người chết (gồm 2 người ở huyện Nam Đàn, 3 người ở huyện Anh Sơn); 2 người ở huyện Thanh Chương và huyện Anh Sơn bị mất tích. Ngoài ra có 3 người ở huyện Thanh Chương và huyện Tân Kỳ bị thương.
Mưa lũ cũng làm ngập lụt tại 94 xóm trong tỉnh, cô lập 27 xóm, 14.511 nhà bị ngập, 4.447 hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất; 45 điểm trường bị ngập lụt; 885 ha lúa, 6.354 ha nuôi thủy sản, 9.215 ha ngô và rau màu các loại bị ngập, 132.992 con gia cầm, 457 con gia súc bị cuốn trôi; 51 km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng, 13 cầu, cống bị cuốn trôi hoặc hư hỏng.
Đến chiều 1/11 nhiều tuyến đường trong tỉnh vẫn chưa thể đi lại do bị sạt lở, hư hỏng, ngập nước. Quốc lộ 48E có 3 vị trí đang bị ngập chưa thể đi lại, quốc lộ 46C có một đoạn tuyến đang bị ngập tại Km107+200 - Km108+900; đường tỉnh 534B đang bị ngập tại Km32+190, đường tỉnh 539B ngập tại Km3+600 - Km5+800. Ngoài ra còn có rất nhiều các tuyến đường liên xã, liên thôn hoặc nội xã đang bị ngập nước, sạt lở, hư hỏng, người và xe chưa thể qua lại.
Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được các địa phương và các ngành chức năng triển khai khẩn trương, trong đó có việc huy động mọi lực lượng, phương tiện trên địa bàn để giúp đỡ, động viên, hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại; huy động lực lượng, phương tiện để xử lý các vị trí sạt lở, ách tắc; phân luồng giao thông, cắm biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi đang còn có nguy cơ sạt lở.
Nghe An de nghi Quan doi ho tro khac phuc hau qua mua lu
Hiện nay, tỉnh Nghệ An vừa tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa đồng thời khẩn trương triển khai công tác phòng chống siêu bão Goni đang có nguy cơ đổ bộ vào một số địa phương trong nước.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Chiều 1/11, các đơn vị quản lý thủy lợi và thủy điện đang lập phương án vận hành, chủ động xả lũ để đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện và phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
* Ngày 1/11, UBND tỉnh đã có Văn bản số 7598/UBND-NC gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đề nghị hỗ trợ lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó, ngay sau khi nước rút, tỉnh đã huy động hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ quân sự, công an, biên phòng và lực lượng tại chỗ giúp dân khắc phục thiên tai. Tuy nhiên, địa bàn Nghệ An có nhiều vùng bị ngập lụt, lực lượng, phương tiện bị phân tán nhiều nơi, nhân dân các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên nhiều vùng bị chia cắt.
Mặc dù tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện nhưng vẫn còn một số địa phương gặp khó khăn về lực lượng, chưa đáp ứng nhu cầu khắc phục hậu quả lũ lụt.
UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 4 hỗ trợ lực lượng 400 cán bộ, chiến sĩ cho địa bàn hai huyện Thanh Chương, Đô Lương, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra để nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất. Thời gian thực hiện bắt đầu ngày từ ngày hôm nay (1/11/2020).
Theo Báo Chính phủ

>> xem thêm

Bình luận(0)