Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tiếp đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
|
Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
|
Trước đó, trong phiên họp sáng ngày 22/10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội họp tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tại phiên thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu; 1 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các quy định cụ thể như: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư; đề xuất nội dung để nhân dân bàn và quyết định; hình thức kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; các hành vi bị nghiêm cấm; việc điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động; việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở, gồm: xã, phường, thị trấn (Chương II), cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Chương III), tổ chức có sử dụng lao động (Chương V); Ban Thanh tra nhân dân; trách nhiệm trong việc bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; các hình thức công khai thông tin và thời điểm công khai thông tin; trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin; quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; nghĩa vụ của công dân khi được cung cấp thông tin; hình thức kiểm tra, giám sát; áp dụng pháp luật và quy định chuyển tiếp; hình thức nhân dân bàn và quyết định; các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai; xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của nhân dân; những nội dung tổ chức có sử dụng lao động phải công khai…
Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.