Trong tổng số 20 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp, có 08 trường mầm non, 06 trường tiểu học và 6 trường THCS. Đáng chú ý, cả 06 trường tiểu học và 06 trường THCS chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp đều thuộc huyện Chương Mỹ. Cụ thể, ở cấp tiểu học là các trường: Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương, Xuân Mai B, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên; ở cấp THCS là các trường: Nam Phương Tiến A, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên.
|
Ảnh minh hoạ. Internet |
Trong 08 trường mầm non chưa thể đón trẻ đến trường có 4 trường thuộc huyện Chương Mỹ, 2 trường ở huyện Mỹ Đức, 1 trường ở huyện Ba Vì và 1 trường ở thị xã Sơn Tây.
Tùy tình hình cụ thể tại địa phương và điều kiện của học sinh, các trường đã và đang triển khai phương án ứng phó linh hoạt với mục tiêu bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh, đồng thời dồn lực tập trung khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định việc dạy, học.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết cũng như những ảnh hưởng vừa qua của bão, dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, các nhà trường bị ngập hoặc chưa bảo đảm cơ sở vật chất đã linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp như dạy học trực tuyến, giao bài tập, cử giáo viên hỗ trợ học sinh.
Thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường vừa dạy học, vừa khẩn trương khắc phục hậu quả; rà soát kỹ các điều kiện bảo đảm an toàn; vệ sinh khử khuẩn; tăng cường phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, trước đó, cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho ngành giáo dục với 67 học sinh bị thương vong; thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính hơn 1.260 tỉ đồng; hư hỏng hơn 41.500 bộ SGK. Ngành giáo dục Hà Nội tuy không bị thiệt hại về người, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhiều cây xanh bị hư hỏng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học, nguy cơ hình thành bão số 4: