Biên tập viên (BTV) Thùy Dung được mệnh danh "khỏe nhất đài VTV". Từng là nữ hoàng banh nỉ, BTV "khỏe nhất" VTV Thùy Dung bất ngờ rẽ hướng sang làm truyền hình, dẫn các chương trình thể thao.
|
BTV Thùy Dung của ban Thể thao đài truyền hình Việt Nam. |
Trong giai đoạn 2006-2009, cô gái sinh năm 1987 là tay vợt Việt Nam có thành tích cao nhất trên bảng xếp hạng thế giới. Năm 2010, cô từ giã sự nghiệp banh nỉ và chuyển sang làm kinh doanh, kiêm luôn MC thể thao tại đài truyền hình. Hiện tại, BTV Thùy Dung là gương mặt quen thuộc trong các bản tin trên sóng VTV như Nhịp đập 360 độ thể thao, Sức sống thể thao, 360 độ thể thao, Lăn cùng trái bóng EURO...
Mùa EURO 2016, Thùy Dung cho hay, ngoài việc dẫn trực tiếp 2 bản tin bóng đá, cô còn làm biên tập cho 3 chương trình đồng hành. Áp lực công việc lớn đòi hỏi phải thức đêm, thời gian trên cơ quan còn nhiều hơn ở nhà.
- Trải qua nhiều công việc trước khi đến với nghề làm truyền hình, điều gì đã níu chân chị trong công việc ở nhà đài?
Đúng là tôi đã làm những công việc khác nhau sau khi giải nghệ nhưng trong quãng thời gian đó, tôi vẫn chơi thể thao và cập nhật tin tức thường xuyên giống như một thói quen không thể từ bỏ. Có thể thấy rằng mối lương duyên với thể thao từ ngày bé đã kéo tôi đến với nghề truyền hình và cũng chính thể thao đã níu chân tôi tại đây, bởi tôi còn nhiều điều muốn chia sẻ với khán giả.
|
Từ nữ hoàng banh nỉ, Thùy Dung chuyển sang làm BTV dẫn chương trình thể thao. |
- Cơ duyên nào đưa chị đến với nghề BTV thể thao vào đúng thời điểm ngôi vị “nữ hoàng quần vợt Việt Nam” đang nằm trong tay?
Bạn biết đấy, tuổi nghề của quần vợt nói riêng và thể thao nói chung thường không dài. Dù bạn có là nữ hoàng hay ông vua – bà chúa gì cũng phải tính cho mình một con đường sau khi giải nghệ. Tôi thích kinh doanh nên đã thử sức mình ở lĩnh vực ẩm thực trong 4 năm và học được rất nhiều điều từ đây.
Tuy nhiên, sau đó tôi cảm thấy công việc này chưa phải là thứ khiến mình hạnh phúc nhất. Trong lúc suy nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo, tôi tham gia Cuộc đua kỳ thú năm 2013 và chợt nhận ra mình muốn thử sức với truyền hình. Với một người "tay ngang" như tôi, khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Nếu bắt đầu với những thứ mình đã có chút vốn liếng kiến thức sẽ tốt hơn là một tờ giấy trắng. Điều quan trọng chính là tôi có thể nói về thể thao cả ngày không biết chán.
|
Công việc tại nhà đài mùa EURO khiến Thùy Dung thường xuyên phải thức đêm. |
- Mùa EURO năm nay, công việc của chị có thay đổi gì? Liên tiếp phải tiếp quản nhiều chương trình nóng cùng trái bóng, có lúc nào chị thấy mình thiệt thòi?
Được làm nhiều chương trình, đó là niềm vui chứ sao lại thấy thiệt thòi? Những lúc không được giao việc, tôi mới cảm thấy vô dụng và buồn chán. Vào mùa EURO này, công việc của tất cả mọi người trong ban Thể thao đều tăng lên rất nhiều, ai cũng phải chuẩn bị sức khoẻ để đáp ứng khối lượng và yêu cầu của công việc.
Ngoài những bản tin thường ngày còn có các bản tin đồng hành, chuyên khai thác những khía cạnh bên lề tại EURO nên mình càng cần tìm hiểu và bổ sung kiến thức nhiều hơn. Chính vì thế, thời gian này, chúng tôi ở trên cơ quan còn nhiều hơn ở nhà.
- Lịch trình công việc nhiều hơn bình thường có khiến chị và các đồng nghiệp trong ban thể thao phải chia ca trực đêm hay không?
Bước vào mùa EURO năm nay, ban thể thao của chúng tôi có thêm 13 chương trình đồng hành cùng bóng đá. Việc bình luận các trận đấu diễn ra sau 2 giờ đêm thường được giao cho những biên tập viên nam giới. Mình là phận nữ cũng được ưu tiên.
Tuy nhiên, tôi cũng thường xuyên phải thức tầm 3-4 giờ sáng để chuẩn bị cho việc dẫn bản tin lúc 6 giờ. Công việc yêu cầu thức khuya cũng ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tôi được nghỉ thêm nửa ngày nếu hôm trước phải làm đêm.
|
Thùy Dung chia sẻ, trong mùa EURO thời gian cô ở trên cơ quan còn nhiều hơn ở nhà.
|
Năm nay mới là mùa EURO đầu tiên tôi dẫn chương trình trên sóng VTV. Tôi còn nhớ kỷ niệm mùa EURO năm 1996, ấn tượng nhất với đội tuyển Đức. Lúc đó còn nhỏ, được cùng gia đình xem bóng đá, dù chưa hiểu gì nhiều nhưng tôi thích cái không khí cuồng nhiệt, vừa xem vừa ngồi ăn mỳ.
Đó là mùa EURO đầu tôi được xem cùng gia đình, vì sau đó phải đi tập huấn trong Nam. Đội tuyển Đức tạo cho tôi ấn tượng từ nhỏ đến giờ. EURO năm nay tôi cũng hy vọng đội Đức sẽ vô địch, nhưng có khá nhiều các đối thủ sừng sỏ khác.
- Chị từng được gia đình hỗ trợ tinh thần trong giai đoạn là vận động viên chơi quần vợt. Vậy khi chị chuyển sang làm BTV thể thao, gia đình có ủng hộ?
Tôi tự nhận mình là người may mắn bởi làm gì cũng được gia đình ủng hộ. Có thể việc tôi phải xa gia đình từ nhỏ cũng khiến mẹ tôi muốn bù đắp cho con gái nhiều hơn chăng. Mẹ tôi từng tâm sự với tôi nhiều lần rằng: “Con làm gì cũng được, miễn sao con cảm thấy hạnh phúc và gia đình sẽ luôn đứng đằng sau để ủng hộ”.
- Chị nghĩ sao khi nhiều người gọi chị bằng biệt danh “BTV khỏe nhất đài VTV”?
Tôi có rất nhiều biệt danh từ khi còn đi học. Nào là "Dung chuối", "Bà cụ non", "Trâm anh" và nay là “BTV khoẻ nhất VTV”… Với mỗi biệt danh đều gắn với một kỷ niệm và sự kiện nào đó diễn ra trong cuộc đời của tôi nên thực sự, tôi cảm thấy vui và buồn cười mỗi khi ai gọi như vậy chứ không ngại.
- Chị chọn cho mình phong cách khá manly với những bộ vest mỗi khi dẫn chương trình. Đó có phải là tính cách đặc trưng của chị?
Tôi chọn những bộ vest khi dẫn chương trình bởi tôi thấy nó đẹp nhưng vẫn khoẻ khoắn, lịch sự và phù hợp với bản thân mình cũng như chương trình. Còn về tính cách, tôi là người khá mạnh mẽ và quyết đoán bởi từ khi 15 tuổi, tôi đã phải sống xa gia đình. Một mình vào TP. HCM tập quần vợt rồi thi đấu chuyên nghiệp và rong ruổi ở nước ngoài suốt quãng thời gian tuổi trẻ.
Nếu không mạnh mẽ chắc chắn tôi khó lòng có thể theo đuổi quần vợt chuyên nghiệp và sống xa nhà. Với lại, khi còn thi đấu, tôi tập thói quen không được thể hiện cảm xúc quá nhiều mà phải luôn giữ một cái đầu lạnh. Điều đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách hiện tại, tôi khá lạnh lùng và tỉnh. Nhưng đó là trong công việc thôi. Bình thường, tôi vui tính và không phải người ngoài trái đất đâu.
- Cám ơn chị về những chia sẻ!