Tại buổi họp báo thông báo kết quả phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực do Ban Nội chính Trung ương tổ chức chiều 17/8, trả lời về việc Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm đến mức phải xem xét kỷ luật nhưng hiện đang làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh này, ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Tổng Bí thư đã nhiều lần nói phải lựa chọn những đồng chí thực sự tiêu biểu, gương mẫu, có tình thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tham gia Ban chỉ đạo.
“Đây là tiêu chuẩn phải là số 1. Không phải vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết”, ông Học nói.
|
Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.
|
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đối với những cán bộ tham gia vào Ban Chỉ đạo mà bây giờ mới phát hiện sai phạm thì tinh thần là phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó, sau khi xử lý thì chắc chắn là phải đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo.
“Tinh thần là sai tới đâu xử lý tới đó. Ban Chỉ đạo cũng nói phát hiện từ sớm, cảnh tỉnh từ xa, còn đã đưa vào Ban Chỉ đạo mà xử lý thì không tốt, không nên. Nhưng bây giờ phải chấp nhận thôi vì tiêu chí xem xét, giới thiệu, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao như thế là phải qua một quá trình. Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng những đồng chí giữ cương vị lãnh đạo như thế là đã được xác định phẩm chất đạo đức tốt, hội đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, bổ nhiệm, bầu cử vào vị trí như thế. Đến giờ mới phát hiện có vi phạm thì sẽ xem xét xử lý nghiêm”, ông Học cho biết.
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, quy định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được nghiên cứu đánh giá rất kỹ, rút kinh nghiệm từ 2 thời kỳ và được lấy ý kiến Trung ương, được Trung ương thông qua để phát huy tác dụng.
“Trường hợp này, trường hợp kia có lỗi phải xem xét, và các đồng chí địa phương tham gia Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nếu sai phạm thì chắc chắn không được xem xét bố trí. Ban chỉ đạo cấp tỉnh mới triển khai bước đầu nên Ban Chỉ đạo Trung ương đang yêu càu rà soát, đánh giá triển khai bước đầu. Nếu thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh có vi phạm chắc chắn sẽ bị thay đổi theo quy định của Đảng để bảo bảo quy định của Đảng sẽ được thực thi nghiêm túc, đúng đắn”, ông Yên nói.
Tại kỳ họp thứ 18, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
UBKT Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hải Dương trong công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống dịch, nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kít xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định; mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, cung ứng thuốc; chi hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; cải tạo, sửa chữa các cơ sở y tế; một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.
UBKT Trung ương cho rằng, trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương và các ông: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Dương Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; Lương Văn Cầu, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; Phạm Mạnh Cường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Trọng Hưng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài chính.
“Vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, nguồn lực của xã hội, gây bức xúc trong Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật” UBKT Trung ương nêu rõ và yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; chỉ đạo kiểm tra, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
Ngày 15/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã có Quyết định số 500-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương gồm 15 thành viên. Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: ông Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vũ Tiến Phụng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Vũ Hồng Hiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh. Ông Vũ Tiến Phụng làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. 9 ủy viên Ban Chỉ đạo là các lãnh đạo nhiều ban, sở, ngành của tỉnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng: