Chiều 29/9, Công an TP HCM đã tổ chức lễ ra quân cao điểm triển khai đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong vòng 1 tháng từ 30/9 đến 31/10. Lễ ra quân diễn ra trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và Đại hội đại biểu Đảng ủy cơ quan Công an Trung ương lần thứ VII.
Trong đợt ra quân này, Công an TP.HCM đã đề ra những mục tiêu rõ ràng như kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trong suốt thời gian diễn ra đại hội. phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh các hoạt động phá hoại. Tăng cường quán triệt, giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức, tinh thần trách nhiệm của lực lượng Công an; xây dựng hình ảnh cán bộ CAND TP.HCM bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ.
|
Nạn cướp giật ở TP HCM khiến nhiều du khách và người dân lo lắng. |
Huy động toàn lực lượng thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự; tấn công, tạo sự răn đe rõ rệt ngay từ giai đoạn đầu ra quân, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm; kéo giảm TNGT; hẹn chế cháy nổ; không để xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; không để phát sinh các vụ bạo lực tập thể…
Mặc dù giao nhiều chỉ tiêu cụ thể tại lễ ra quân tuy nhiên chưa thấy lãnh đạo Công an TP HCM ra chỉ tiêu giảm nạn cướp giật trên đường phố, điều khiến người dân thành phố và du khách sợ nhất mỗi lần đến đây.
Dư luận đặt câu hỏi, nạn cướp giật hoành hành, sao TP HCM không lập tổ 141 như Hà Nội? Đây là câu hỏi không mới vì chính năm 2018, khi xảy ra vụ 2 hiệp sĩ và một người dân bị đâm tử vong khi khống chế cướp, trao đổi với báo chí, Nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho rằng, TP.HCM nên thành lập tổ 141, 142 như Hà Nội.
Hiệu quả của lực lượng 141 tại Hà Nội đã được minh chứng trong suốt thời gian qua. Trước thời điểm Hà Nội thành lập lực lượng 141, tội phạm hình sự trên địa bàn thành phố phức tạp, phương thủ đoạn ngày càng tình vi, xảo quyệt, khó lường với nhiều thủ đoạn gây án hết sức nghiêm trọng...
Năm 2011, lực lượng 141 được thành lập nhằm 3 mục đích chống tội phạm như tội phạm đường phố, tội phạm nơi công cộng, tội phạm trên các tuyến giao thông. Nòng cốt của 141 Hà Nội gồm 3 lực lượng, đó là CSGT, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự với nhiệm vụ kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, đặc biệt là đua xe, lạng lách, tàng trữ ma túy, vũ khí.
Lực lượng 141 Hà Nội hoạt động theo phương thức cắm chốt tập trung ở một khu vực nhất định. Tất cả hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng biện pháp công khai kết hợp hóa trang để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ khi lực lượng 141 ra đời cho đến nay đã hoạt động rất hiệu quả, thu giữ rất nhiều vũ khí, bắt khá nhiều đối tượng côn đồ, hung hãn và đã ngăn chặn, xử lý được rất nhiều vụ việc, góp phần bình yên cho thủ đô Hà Nội.
Thời gian qua, khi đến TP HCM, một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn, thủ phủ của các tỉnh phía Nam, người dân du khách vẫn nơm nớp lo nạn cướp giật. Bởi trước đó, địa phương này được biết đến là nơi nạn cướp giật diễn biến khá phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cướp giật tại TP HCM tăng cao và một trong những nguyên nhân là do địa bàn thành phố vốn là mảnh đất màu mỡ thu hút các đối tượng phạm pháp từ các nơi về đây kiếm ăn, dẫn đến việc kiểm soát, quản lý đã khó, nay lại còn khó hơn.
Điển hình vấn nạn cướp giật tại TP HCM như vụ băng nhóm cướp giật Hưng “Nhóc” (Đinh Văn Hưng, 32 tuổi, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) mới bị đội 3 Phòng CSHS Công an TP HCM triệt phá tháng 5/2020 vừa qua. Đối tượng mà Hưng thường nhắm đến là du khách nước ngoài ở trung tâm TP do các du khách thường không biết ngôn ngữ, không rành trình báo và thường có tài sản lớn mang theo người.
Mới đây, tháng 8/2020, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết đã khởi tố băng nhóm nghi can chuyên cướp giật tài sản trên địa bàn TP.HCM. Nạn nhân của nhóm cướp giật trên là chị V. (20 tuổi, quê Đắk Lắk, tạm trú ở Q.Tân Phú, TP.HCM). Khoảng 6h ngày 11/8, chị V. đang đứng trên vỉa hè, trước một quán cà phê ở đường Bàu Cát 1 (phường 14, quận Tân Bình) đợi chủ mở cửa vào làm việc thì có 2 tên cướp đi xe máy trờ tới. Một tên đi bộ lại gần hỏi chuyện đánh lạc hướng chị V. rồi giật túi xách của chị. Kịp phản ứng, nạn nhân giằng co với tên cướp và bị tên này kéo lê ngã xuống đường. Trong lúc giằng co, tên cướp phát hiện điện thoại hiệu IPhone của chị V. rơi ra ngoài nên lao vào cướp điện thoại rồi tẩu thoát. 9 đối tượng sau đó đã bị bắt giữ trong đó có Lê Tuấn Anh (biệt danh "Cu Diêu", 20 tuổi, tạm trú Q quận 11) là nghi can cầm đầu, có 2 tiền án về tội cướp giật tài sản.
|
Tổ công tác 363 TP HCM. |
Thực tế, để kéo giảm tội phạm về an ninh trật tự, trong đó có nạn cướp giật, thời gian qua, lực lượng Công an TP HCM đã triển khai nhiều biện pháp kéo giảm nạn trộm cắp, cướp giật tài sản như việc cuối năm 2018 đến nay, Công an TP HCM đã thành lập và duy trì mô hình tuần tra kiểm soát hỗn hợp (Tổ công tác 363). Tổ công tác 363 được chia thành 7 tổ, mỗi tổ có 12 cảnh sát, với tổng quân số huy động mỗi ngày là 252 cán bộ, chiến sĩ.
Không thiết lập các chốt chặn như 141 Hà Nội, tổ công tác 363 hoạt động linh hoạt theo 4 phương thức, gồm tuần tra, kiểm soát cơ động; tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp kiểm soát, chốt chặn tại điểm trên đường giao thông; tuần tra, kiểm soát chốt chặn tại 1 điểm trên đường giao thông; tuần tra bộ tại khu vực.
Chỉ ít thời gian sau khi được thành lập, tổ công tác 363 đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Chỉ sau 10 tháng triển khai hoạt động tuần tra, kiểm soát hỗn hợp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM, các Tổ công tác 363, Công an TP.HCM tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc răn đe, trấn áp các loại tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng.
Kết quả phát hiện, xử lý 22.210 vụ vi phạm pháp luật, gồm: 21.533 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông và 677 vụ vi phạm pháp luật về hình sự, ma túy.
Trong đó, trực tiếp phát hiện, bắt quả tang 76 vụ, 106 đối tượng xâm phạm sở hữu tài sản; kiểm tra, phát hiện 524 vụ, 822 đối tượng tàng trữ vũ khí, hung khí, ma túy và kịp thời xử lý, giải tán nhiều vụ tụ tập chạy xe thành đoàn, gây rối trật tự công cộng.
Do đó, các loại án xâm phạm sở hữu tài sản, tai nạn giao thông đều được kéo giảm, tình trạng đua xe trái phép, tụ tập chạy xe thành đoàn, gây rối trật tự công cộng được hạn chế đáng kể.
Nếu như Hà Nội có 141 thì TP HCM có 363 – đây được coi là những “quả đấm thép” vào tội phạm. Tuy nhiên, khi vấn nạn cướp giật dù được kéo giảm nhưng vẫn còn khá phức tạp, đòi hỏi lực lượng cảnh sát phải tăng cường hơn nữa để kịp thời phát hiện xử lý.
Vì vậy, dư luận và người dân cho rằng, Công an TP HCM cũng nên đưa ra chỉ tiêu cụ thể để trấn áp loại tội phạm này trong đợt ra quân lần này và những lần tiếp theo để TP HCM thực sự là điểm đến an toàn của du khách và thực sự là nơi đáng sống cho người dân thành phố.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tên cướp giật điện thoại giữa ngã tư ở TP.HCM