Theo thông tin ban đầu, vụ nam thiếu niên đâm cụ bà tử vong ở phố đi bộ xảy ra vào sáng 16/5, bà Nguyễn Thị Hồng Lành (79 tuổi, tạm trú tại phường Tràng Tiền) trong lúc đi bộ sang đường tại phố Hàng Khay (thuộc khu vực phố đi bộ hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm) thì bị một học sinh đi xe đạp tông trúng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Tới đêm 16/5, bà Lành tử vong. Công an phường Tràng Tiền cho biết thêm: "Bà Lành quê ở Bắc Ninh, thuê nhà trên địa bàn để sinh sống". Qua xác minh, cơ quan Công an xác định người đi xe đạp khiến bà Lành tử vong là Đ.H.D. (13 tuổi, trú tại Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
|
Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. |
Dưới góc độ pháp lý trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề nam thiếu niên đâm cụ bà tử vong ở phố đi bộ: Bị xử lý thế nào? Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mặc dù phương tiện gây tai nạn chỉ là chiếc xe đạp nhưng nạn nhân đã tử vong. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc để xác định trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy nếu người đi xe đạp có lỗi dẫn đến gây tai nạn khiến nạn nhân tử vong thì trách nhiệm hình sự cũng không được đặt ra bởi bộ luật hình sự năm 2015 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi. Theo thông tin ban đầu của sự việc thì người điều khiển chiếc xe đạp này đang ở độ tuổi 13, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người giám hộ của em bé này sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Trường hợp người gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng, có lỗi và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên nếu người gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà có thể bị áp dụng các biện pháp hành chính khác. Cụ thể bộ luật hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2.6 Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 30.
Khoản 2, Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự như sau:
“Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
…
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.”.
Bởi vậy, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định em bé đi xe đạp có lỗi gây thiệt mạng đến người đi bộ thì bố mẹ của em bé này sẽ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng và tiền tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.
>>> Xem thêm video: Bất ngờ qua đường, cụ bà bị đâm tử vong