Nam sinh đánh bạn, bắt quỳ gối ở Phú Thọ: Hệ quả từ bi kịch gia đình

Google News

Đ.T.M. (SN 2005, Phú Thọ) là thiếu niên trong clip đánh bạn, bắt quỳ gối để M. đá vào mặt. Được biết, bố mẹ M. đã ly hôn. Theo chuyên gia tâm lý, hành động của M. có 1 phần nguyên nhân từ bi kịch gia đình.

Trả lời báo chí về vụ nam sinh lớp 10 đánh bạn, bắt quỳ gối để đá vào mặt gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND phường Gia Cẩm (TP.Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: "Nam sinh đánh bạn, bắt quỳ gối trong video là Đ.T.M (15 tuổi, trú tại phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì) là con cả trong gia đình có 2 anh em. Bố mẹ M. làm nghề tự do, đã ly hôn từ lâu. M ở với mẹ thỉnh thoảng mới ở với bố. Một vài năm gần đây, M nổi tiếng là "dân anh chị nhí", thường xuyên gây gổ, đánh nhau tại địa phương. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, M. đã gây ra nhiều vụ xô xát. Các cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để làm các thủ tục giáo dục tại địa phương thì xảy ra chuyện vừa xong."
Nam sinh danh ban, bat quy goi o Phu Tho: He qua tu bi kich gia dinh
 Ở địa phương, M. là thành phần thường xuyên gây gổ, đánh nhau gây mất trật tự công cộng.
Sau khi thông tin về hoàn cảnh của M. được tiết lộ, dư luận vừa thấy M. đáng trách nhưng cũng đáng thương. Nhiều ý kiến cho rằng hành động khuynh hướng bạo lực của M. nguyên nhân một phần vì bi kịch bố mẹ ly hôn, gia đình đổ vỡ, đang tuổi dậy thì, hình thành nhân cách nhưng M. thiếu đi tình cảm và sự dạy dỗ đủ đầy của cả bố và mẹ. 
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc cho rằng: "Việc giáo dục con cái không chỉ bằng lời nói mà hành động của bố mẹ mới là sự giáo dục tốt nhất dành cho con. Nếu muốn nuôi dạy con tốt thì trước hết bố mẹ phải là những tấm giương sáng để con noi theo. Bố mẹ thương yêu nhau, không khí gia đình hòa thuận tạo cho con trẻ một môi trường phát triển thuận lợi.
Trường hợp tình cảm bố mẹ rạn nứt nhưng có sự đồng thuận với nhau trong việc ly hôn, phân chia tài sản, con cái thì vẫn có thể tạo cho con mình một môi trường tốt để phát triển. Nhưng cần phải có trách nhiệm, sự yêu thương, chăm lo từ cả hai phía, dù bố mẹ không còn sống chung với nhau nữa".
Video: Nam sinh đánh bạn, bắt quỳ gối ở Phú Thọ
 
Chuyên gia Lê Thị Túy cũng nhận định, nếu hôn nhân trong gia đình đổ vỡ một cách “u ám”, hai bên có lời lẽ xúc phạm nhau, thậm chí động tay động chân với nhau trước, trong và sau quá trình ly hôn. Vô tình để lại một hình ảnh phản cảm, bạo lực trong mắt trẻ thơ.
Vì không hòa hợp, ly hôn trong sự căm ghét, thù hằn nên nhiều cặp vợ chồng thường không có lời lẽ tốt đẹp dành cho nhau, không muốn nhìn thấy nhau, coi nhau như kẻ thù… Điều đó vô hình đào sâu khoảng cách giữa con cái với bố mẹ. Bởi nếu thù hằn nhau, bố hoặc mẹ được quyền chỉ định nuôi con đa phần sẽ ngăn cấm đối phương gặp con mình."
Với trường hợp cụ thể của M., chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nêu ý kiến: "Do bố mẹ đã ly hôn, M. ở với mẹ, theo một số thông tin thì M. rất ít khi gặp bố nên thiếu mất tình cảm của người cha. Những đứa trẻ như vậy nếu không được gia đình quản lý, giáo dục tốt thường có khuynh hướng bạo lực, dễ dàng tiếp thu những thói hư, tật xấu…
Bởi vì không có được sự quan tâm của người cha, hoặc có thể chứng kiến những cảnh tượng, hành động không đẹp của người lớn, nên M. có thể sinh thù hận, so sánh tại sao những đứa trẻ khác được cả bố mẹ yêu thương đùm bọc, còn mình thì lại không.
Khi một đứa trẻ ôm hận trong lòng mà không ai quan tâm đến chúng, nó sẽ như một nút thắt trong lòng con trẻ. Đợi đến một lúc nào đó, khi không thể kìm nén được nữa nút thắt đấy sẽ bung ra. Trẻ sẽ trút hết sự thù hằn, bực dọc đó lên một người khác yếu thế hơn mình. Mà ở đây, M. đã hành hung bạn mình một cách dã man".
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhấn mạnh, việc quản lý con cái sử dụng mạng xã hội như thế nào cũng là điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Các bộ phim, video bạo lực, đầy hình ảnh “giang hồ” lại được tôn thờ như một anh hùng. Dần dần, trẻ nhỏ sẽ tiếp thu các hình ảnh bạo lực, phản cảm… và coi đấy như một việc bình thường.
Theo một số người dân sinh sống tại khu Lăng Cẩm, phường Gia Cẩm, Đ.T.M thỉnh thoảng có về ở với bố. Bình thường, M ít nói, ít giao tiếp với hàng xóm xung quanh.
Trước đó, cơ quan CSĐT Công an TP.Việt Trì tiếp nhận tin báo về tội phạm của anh Nguyễn Ngọc T (41 tuổi, ở phường Tiên Cát, TP.Việt Trì) về việc con trai anh là N.Q.T bị một số bạn đồng trang lứa hành hung, gây thương tích. Ngoài M. còn có Nguyễn Thanh P. (sinh 29/3/2007, TP Việt Trì); Trần Hoàng Q. (sinh 24/8/2008, TP Việt Trì) và Tạ Ngọc Bảo L. (sinh 02/6/2007, TP Việt Trì) cũng được xác định dùng tay, chân đánh cháu T. Hậu quả, cháu N.Q.T bị thương tích phải đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Theo cơ quan công an, nguyên nhân M. đánh người là do mâu thuẫn trên mạng xã hội. Cơ quan CSĐT công an TP.Việt Trì đã truy tìm, triệu tập các đối tượng liên quan để tiến hành các biện pháp điều tra.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, thượng tá Nguyễn Minh Tuấn - PGĐ Công an tỉnh Phú Thọ xác nhận nam sinh lớp 10 đánh người dã man đang bị Công an TP Việt Trì tạm giữ.
Hiện vụ nam sinh lớp 10 ở Phú Thọ đánh người dã man đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Thanh niên ngáo đá chạy xe máy tông sập chốt kiểm dịch COVID-19

Nguồn: Truyền hình Cần Thơ


Hiểu Lam - Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)