Năm nay thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn?

Google News

Bộ GD&ĐT đang có ý tưởng chỉ thi bốn môn, trong đó hai môn bắt buộc là toán và văn, hai môn nữa do mỗi thí sinh tự chọn.

Những đề xuất đổi mới
Ý tưởng đề xuất gồm ba thay đổi lớn: Mở rộng diện được miễn thi tốt nghiệp; Thay đổi số môn thi và gia tăng mức độ linh hoạt trong việc chọn môn thi; Sử dụng kết quả học tập lớp 12 để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp.
Ngoài diện học sinh được miễn thi theo quy chế thi hiện hành, có thể các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt cũng sẽ được miễn thi. Nhưng không phải tất cả những em có học bạ “đẹp” đều được miễn thi mà Bộ GD&ĐT xác định tỷ lệ miễn thi chung cho các địa phương.
 Thi tốt nghiệp THPT từ nay sẽ nhẹ nhàng nhưng thực chất và nghiêm túc hơn. Ảnh: Hồng vĩnh.
Chẳng hạn, năm 2014, tỷ lệ miễn thi chung tối đa có thể là 20%. Tỷ lệ này sẽ được xem xét để điều chỉnh. Học sinh được miễn thi vẫn có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp. Nếu ý tưởng này được triển khai, Bộ GD&ĐT sẽ có các quy định cụ thể nhiệm vụ của cơ sở giáo dục và các cấp quản lý nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan, công bằng cho kỳ thi.
Về môn thi, dự kiến thí sinh sẽ chỉ thi bốn môn, trong đó hai môn bắt buộc (thí sinh nào cũng phải thi) là toán và văn, hai môn nữa do mỗi thí sinh tự chọn trong số năm môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử.
Ngoài ra, học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Nếu ý tưởng này được thực hiện, một kỳ thi tốt nghiệp sẽ có cả 8 môn thi chứ không phải 6 môn như trước đây, chỉ khác là mỗi thí sinh chỉ làm bài thi 4 hoặc 5 môn.
Được biết, ý tưởng trên được đề xuất với mục tiêu giảm áp lực cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội và bức xúc trong dư luận với kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời khuyến khích học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện một cách toàn diện.
Hơn nữa, trong nghị quyết của Hội nghị T.Ư 8 cũng yêu cầu ngành GD&ĐT “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh” và “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”.
 Kiểm tra danh sách thí sinh trước khi thi tốt nghiệp THPT Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ủng hộ tinh thần đổi mới khẩn trương của Bộ
Trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng ông rất ủng hộ tinh thần khẩn trương của Bộ GD&ĐT trong vấn đề đổi mới thi cử. “Đặt vấn đề đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ năm 2014 chứ không chờ đến sau 2015 là một động thái rất tích cực”, TS Nguyễn Tùng Lâm bình luận.
Tuy nhiên, cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, ý tưởng đổi mới như đã trình bày ở trên không đáp ứng được những mục tiêu mà kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay cần phải có: Đảm bảo giáo dục toàn diện; Ảnh hưởng tích cực trở lại quá trình dạy học tại trường phổ thông; Sử dụng kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH.
Không nên đặt vấn đề cho học sinh miễn thi tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT đã có lộ trình bỏ ba chung thì cũng cần phải có một kỳ thi để các trường ĐH lấy đó làm căn cứ xét tuyển. Hơn nữa, chúng ta đã từng có chính sách miễn thi khiến bao nhiêu tiêu cực nảy sinh, kết cục là đã phải bỏ miễn thi.
Mục tiêu nên hướng tới là thiết lập một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao.
“Để giảm áp lực cũng như giảm tiêu cực, nên giao cho các trường THPT xét công nhận tốt nghiệp. Sau đó nhà nước tổ chức một kỳ thi để lấy đó làm cơ sở phân loại tốt nghiệp, đồng thời các trường ĐH có cơ sở tuyển sinh. Thí sinh dự thi không phải với mục tiêu thi đỗ, mà là để thể hiện năng lực cá nhân”, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng ý, cần phải đặt vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới bỏ ba chung trong tuyển sinh ĐH. Việc chỉ thi hai môn bắt buộc là văn và toán là chưa đủ mà cần thêm môn ngoại ngữ.
Nếu năm nay nhiều thí sinh chưa chuẩn bị kịp thì có thể áp dụng như mọi năm là các em được thi môn khác thay môn ngoại ngữ. “Về lâu dài thì ngoại ngữ là môn công cụ rất quan trọng, nên xác định đó là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết còn cho rằng, các môn khác cũng cần được thi nhưng tổ chức rải rác trong năm học và có thể để cho các trường THPT tự tổ chức thi.
“Có thể những người đề xuất ý tưởng thi 4 môn muốn giảm áp lực cho học sinh, nhưng quả thật tôi không hiểu khi nói chỉ thi 4 môn hay 6 môn thì họ căn cứ vào đâu? Theo tôi biết, các nước có tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì học sinh được học môn nào họ đều cho thi môn đó, nhưng họ không dồn vào một kỳ thi mà rải đều ra”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét.
Theo một cán bộ quản lý của Bộ GD&ĐT, ý tưởng đổi mới thi tốt nghiệp THPT mới đang chỉ bàn bạc trong nội bộ cơ quan Bộ GD&ĐT và hiện cũng chưa có ý kiến thống nhất trong đội ngũ lãnh đạo các Cục, Vụ. Tuy nhiên, Bộ sẽ sớm hoàn thiện dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT và sẽ tổ chức họp báo để xin ý kiến rộng rãi dư luận trong thời gian sớm nhất.

 


Theo Tiền Phong

Bình luận(0)