Hiệp “phò mã” bay ra Hà Nội cùng với Trúc “mẫu hậu” tiếp tục chạy án cho cha vợ. Thắng “tài dậu” dẫn vợ và con rể Năm Cam đến nhà Thuyết, có Long “đầu đinh” cùng đi. Thuyết thẳng thắn đặt vấn đề “hầu bao” với Trúc “mẫu hậu” và bảo: “Nếu bà chị đủ khả năng tài chính, tôi sẽ giới thiệu cho gặp ông Nguyễn Thập Nhất”.
Thuyết quan hệ khá mật thiết với người vừa được anh ta nhắc đến từ năm 1993, là Trưởng Phòng giam giữ và cải tạo ở Viện kiểm sát Hà Nội. Nghiên cứu tất cả chi tiết liên quan, ông Nhất tuyên bố: Có thể khiếu nại, việc giam giữ Năm Cam sai pháp luật là có cơ sở. Ông khẳng định, nếu bị bắt giữ bởi cơ quan điều tra thì phải có chứng cớ buộc tội được VKS ngang cấp phê duyệt. Nếu bị bắt để sau đó đưa đi tập trung cải tạo, thì việc giữ Năm Cam ở trại T16 là sai, phải đưa đi cơ sở để giáo dục. Trúc “mẫu hậu” than vãn, được Nguyễn Thập Nhất trực tiếp soạn đơn kêu oan.
Mừng như bắt được vàng, Hiệp bàn bạc với ông Nhất và Thuyết để thực hiện việc khiếu nại, kêu oan cho ông bố vợ. Thế là, ông Nhất hướng dẫn Hiệp thực hiện các công đoạn cần thiết. Cũng với mối quan hệ sẵn có, ông Nhất đưa Hiệp và Thuyết đến gặp ông Cường, thư ký riêng của ông Lê Thanh Đạo (Viện trưởng VKSND Tối cao). Mỗi túi quà gồm rượu tây, bánh... trị giá vài ngàn USD, được đặt vào thêm chiếc phong bì đựng 5.000 USD do Hiệp và Thuyết thiết kế mang đến do sự chỉ đạo của ông Nhất, để trao cho ông Cường một túi, nhờ ông này trao lại cho ông Viện trưởng.
Rời nhà ông Lê Thanh Đạo, Thuyết bàn với Hiệp chuẩn bị tiền giải thoát tập trung cải tạo cho Năm Cam. Thuyết bảo: “Có hai phương án. Thứ nhất, thông qua cơ quan ngôn luận báo chí để đăng tải đơn kêu oan của Năm Cam trên báo nhằm tạo áp lực của dư luận, công luận, buộc các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thả tự do cho Năm Cam. Thứ nhì, đặt vấn đề với một số cá nhân có chức quyền ở cơ quan pháp luật để nhờ xem xét, chạy tội cho anh Năm”. Thuyết cầm tiền của Hiệp cho vào từng phong bì, rồi cùng đến nhà riêng một số cá nhân trong cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan ngôn luận.
Năm 1992, nhà báo Đình Khuyến và Trần Mai Hạnh bị tai nạn giao thông, cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Đình Khuyến tử nạn, còn Trần Mai Hạnh bị hỏng một mắt. Thuyết đến thăm ông Hạnh trong khu tập thể Đài tiếng nói Việt Nam. Người vợ thứ hai của Thuyết được ông Hạnh nhận vào làm việc tại Trung tâm Quảng cáo và Tiếp thị của đài, sau đó hai người trở nên thân thiết cho đến khi ông Hạnh làm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận và vẫn xem Thuyết như đứa em kết nghĩa. Nhà báo Trần Mai Hạnh cầm lá đơn kêu oan của vợ Nam Cam. Thuyết bảo “Nhờ anh đăng báo giúp”. Ông Hạnh đắn đo. Thuyết bảo cam kết đây là oan ức thật sự. Năm Cam tuy có phạm pháp, nhưng lão ta là đặc tình cấp 3 của công an TP.Hồ Chí Minh.
Ông Hạnh đưa vụ kêu oan của vợ Năm Cam lên mặt báo. Nội dung các bài báo ông Hạnh đưa ra khẳng định bắt Năm Cam tập trung cải tạo là sai phạm nghiêm trọng. Lý lẽ ông Hạnh đưa ra rất dễ làm người đọc tin là sự thật. Không dừng lại ở phạm vi viết bài mà còn chuyển đơn khiếu nại tới ông Phạm Sỹ Chiến (Phó viện trưởng VKSND Tối cao) đề nghị xem xét đơn của Trúc “mẫu hậu”.
Cầm các bài báo của ông Hạnh, Nguyễn Thập Nhất, Trưởng phòng giam giữ Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội dẫn Thuyết và Hiệp đến nhà riêng của ông Phạm Sỹ Chiến. Thuyết giới thiệu ông Chiến xem xét giúp đỡ đơn khiếu nại bị tập trung cải tạo oan của Năm Cam do bà Trúc đứng tên. Ông Chiến không tiếp nhận đơn ở nhà riêng, yêu cầu gửi đơn đến VKSND Tối cao để xem và đề xuất. Lá đơn công khai đầy tính chính thống của bà Phan Thị Trúc vợ Năm Cam, đã xuất hiện trên bàn làm việc của lãnh đạo VKSND Tối cao như vậy. Ông Chiến được tặng một túi quà và Hiệp đưa cho Thuyết 3.000 USD nữa để Thuyết đến tận nhà riêng của ông Chiến lắp đặt một dàn âm thanh, đầu đĩa VCD loại tối tân lúc bấy giờ.
Nhận đơn khiếu nại của bà Trúc, ông Chiến giao Vụ Kiểm sát điều tra án trị an thẩm tra và xác minh. Ngày 6.10.1995, ông Chiến đã ký công văn 1597 gửi lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra cung cấp cho VKSND Tối cao lý do Năm Cam bị bắt, tài liệu về hành vi phạm pháp của Năm Cam, thành phần xét duyệt tập trung cải tạo và thủ tục bắt Năm Cam.
Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát - Bộ Nội vụ ban hành công văn phúc đáp khẳng định việc bắt tập trung cải tạo đối với Năm Cam là thực hiện ý kiến chỉ đạo cũa Thủ Tướng Chính phủ, tập trung cải tạo Năm Cam là đúng thủ tục, đúng đối tượng được nhân dân và công luận đồng tình, ủng hộ. Ngày 13.2.1996, ông Chiến chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo Bộ Nội vụ bàn giải quyết đơn khiếu nại của vợ Năm Cam và trả lời báo Nhà báo và Công luận.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công An làm việc với ông Trần Mai Hạnh về việc Thuyết và Hiệp đặt vấn đề nhờ xem xét việc đăng tải trên báo Nhà báo và Công luận về đơn kêu oan cho Năm Cam do bà Trúc đứng tên. Hỏi về kết luận bắt Năm Cam cải tạo là sai phạm nghiêm trọng ông Hạnh có cử phóng viên hoặc ông có trực tiếp đi xác minh, thu thập tài liệu hay không. Ông Hạnh trả lời căn cứ vào đơn của bà Trúc, nghiên cứu công văn 1333 ngày 19.8.1996 của VKSND Tối cao gửi Bộ Nội vụ kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung giáo dục cải tạo đối với Năm Cam của UBND TP.Hồ Chí Minh để khẳng định. Nhưng đó là tài liệu mật, và mới chỉ là kiến nghị, chưa phải là kết luận chính thức, dùng kiến nghị của một phía để khẳng định là sai phạm trên báo chí, là vi phạm luật báo chí. Ông Hạnh đuối lý.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ nêu tóm tắt về việc tập trung giáo dục cải tạo Năm Cam, một đối tượng rất nguy hiểm cho an ninh trật tự xã hội là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm kiên quyết đấu tranh lọai trừ phần tử xấu. Bộ Nội vụ chỉ đạo Cảnh sát điều tra chuyển 3 tập tài liệu, hồ sơ về việc tập trung cải tạo Năm Cam đến VKSND Tối cao để nghiên cứu trao đổi xem xét và truy xét các tên tội phạm có liên quan đến Năm Cam. Nếu có cơ sở thì khởi tố để xử lý hình sự đối với Năm Cam.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ ông Chiến giao ông Trần Thanh Phong (Vụ trưởng Vụ điều tra án trị an - VKSND Tối cao) chủ trì cuộc họp với Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Nội Vụ. Tiếp đó, ngày 18.9.1996, ông Chiến ký công văn 1333/KSĐT-TA kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ hủy quyết định tập trung cải tạo số 73 ngày 20.5.1995 của UBND TP.Hồ Chí Minh đối với Năm Cam. Văn bản đóng dấu “Mật”, chỉ sao y gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ.
Trong vụ này, ông Nhất được Hiệp đưa cho 10.000 USD gọi là đền ơn. Lá đơn của bà Phan Thị Trúc, kháng nghị của VKSND Tối cao, được lần lượt đăng tải. Trong việc này, ông Hạnh được đền đáp bằng một đồng hồ Thuỵ Sĩ loại đắt tiền, một dàn âm thanh đầu đĩa hệt ông Phạm Sĩ Chiến. Ngoài ra, với lý do sữa chữa nhà cửa, ông Hạnh hỏi vay Thuyết và Hiệp 140 triệu đồng.
Ông Phạm Sỹ Chiến - người có quyền năng pháp luật rất lớn đã đáp ứng đúng nguyện vọng của vợ con Năm Cam. Kết quả nhãn tiền là gần 60 ngàn đô la được vung ra đúng lúc đã giúp Năm Cam khỏi bị truy tố và y được trả tự do sớm hơn thời hạn 7 tháng. Ngày Năm Cam ra trại, Thắng “tài dậu” lái xe chở Thuyết và cả nhà Năm Cam lên trại đón rước y về. Gia đình Năm Cam lưu lại Hà Nội mấy hôm trước khi về TP.Hồ Chí Minh.
Trở lại với cuộc sống, Năm Cam bị cơ quan công an theo dõi và quản thúc sát sao. Hàng ngày Năm Cam thức dậy lúc 6h30 phút sau khi có mặt tại Công viên Tao Đàn để nghe Thảo “ma” báo cáo tình hình các sòng bạc và nộp tiền bảo kê. Sau đó là lịch trình vui chơi giải trí rất tao nhã, Năm Cam lao vào cuộc chơi truỵ lạc cho bỏ những ngày cùng khổ, túng quẩn lúc đi tập trung cải tạo.