Ngày 19/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã thông tin mới nhất liên quan tình hình thiệt hại do mưa lũ tại Khánh Hòa nói chung.
Theo đó, báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa về thiệt hại ban đầu do mưa lũ, sạt lở đất, lốc xoáy cho biết, hiện nay số người chết đã lên đến 12 người, 5 người hiện đang mất tích và 11 người bị thương.
Mưa lũ đã làm 43 nhà bị sập, hư hỏng. Trong đó, thành phố Nha Trang: 30 nhà, Cam Lâm: 7 nhà, TX Ninh Hòa: 6 nhà).
Tại thành phố Nha Trang, nhiều tuyến đường bị ngập, có nơi trên 0,5 đến 1m, gây ách tắc giao thông.
Tại huyện Diên Khánh có đến 18/18 xã hầu hết đều bị ngập, 06/18 xã ngập từ 0,5m trở lên như: Diên An, Diên Phú, Diên Toàn, Diên Bình, Diên Lạc, Diên Điền.
|
Ngày 18/11, tại Nha Trang xảy ra sạt lở khiến nhiều người chết và mất tích. |
Ghi nhận tại TP Cam Ranh, Quốc lộ 1A từ P. Cam Nghĩa đến P. Cam Phú ngập từ 0,4-0,6m.
Huyện Khánh Vĩnh: 05 cầu tràn ngập sâu từ 0,4-0,6m: Thác Ngựa (TT Khánh Vĩnh- xã Khánh Nam), Sông Giang (xã Khánh Trung), Sông Chò (xã Khánh Bình), Sông Trang (xã Liên Sang-Giang Ly), Suối Khao (xã Khánh Đông).
Huyện Khánh Sơn: 09 tràn ngập sâu từ 0,4-0,6m: Co Róa (xã Sơn Lâm); Sơn Trung (đi Sơn Hiệp); Cây Sung, tràn thôn Xà Bói, tràn số 1, 2 đường thôn Tà Gụ (xã Sơn Hiệp); Sơn Hiệp (đi Sơn Bình); Tràn vào thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình); tràn vào thôn Liên Bình (xã Sơn Bình).
Để khắc phục sự cố, tỉnh Khánh Hòa đã huy động 600 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm người bị vùi lấp, mất tích, đưa người bị thương đi cấp cứu, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. TP Nha Trang cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 19/11.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã di dời 481 hộ/ 1.896 người, chủ yếu tại TP Nha Trang, TP Cam Ranh đến nơi an toàn.
Ngay sáng 19/11, Thứ trưởng - Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT Hoàng Văn Thắng đã dần đầu các đoàn công tác đi Khánh Hòa để nắm bắt tình hình và ứng phó với diễn biến thiên tai. Trước đó, chiều 18/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã cử cán bộ vào Khánh Hòa nắm tình hình.
Trước đó, ngày 18/11, Thủ tường Chính phủ và Ban chỉ đạo TW về PCTT- Ủy ban Quốc gia UPSC,TT&TKCN về ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã có công điện yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
Tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, “màn trời, chiếu đất”.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
Thiệt hại nặng nề do thiên tai từ đầu năm 2018 tới nay:
Sáng ngày 19/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2018 tới nay, thiên tai đã để lại những thiệt hại nặng nề.
Thiên tai đã làm 198 người chết và mất tích, 141 người bị thương; 1.747 nhà bị đổ, sập và 30.429 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và 53.077 nhà bị ngập nước; 217.829 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 30.666 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 27.155 con gia súc và 458.790 con gia cầm bị chết; 11.047 ha thủy sản bị ngập, mất; 343 km đê, kè, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt; hơn 65,6 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hơn 8,26 triệu m3 đất đá đường giao thông Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng.