Tại hội nghị trực tuyến với sự tham gia của 63 điểm cầu (các tỉnh thành) cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017 được tổ chức chiều ngày 31/10, vấn đề bội chi Bảo hiểm y tế và đặc biệt sự gia tăng bất hợp lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gây “nóng” hội nghị này.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến 31/9/2017, đã có 122,6 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán Bảo hiểm Y tế (BHYT) với số tiền 63.593 tỷ đồng, tăng 7.579 tỷ đồng (so với 31/8/2017).
BHXH Việt Nam cho biết, có đến 21 tỉnh chi phí khám, chữa bệnh BHYT 9 tháng vượt quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT cả năm 2017 trên 100 tỷ đồng. Trong đó, 6 tỉnh có chi phí KCB BHYT bội chi cao được chỉ mặt đặt tên gồm: Nghệ An 919 tỷ đồng, Thanh Hóa 780 tỷ đồng, Quảng Nam 579 tỷ đồng, Quảng Ninh: 359 tỷ đồng, Hà Tĩnh 281 tỷ đồng và Hải Dương 247 tỷ đồng.
|
Tại hội nghị trực tuyến với sự tham gia của 63 điểm cầu (các tỉnh thành) cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017 được tổ chức chiều ngày 31/10, vấn đề bội chi Bảo hiểm y tế và đặc biệt sự gia tăng bất hợp lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gây “nóng” hội nghị này.
|
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc “bội chi" Bảo hiểm y tế, Phó trưởng Ban phụ trách chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, ông Lê Văn Phúc cho biết, có nhiều nguyên nhân như tăng chi do giá dịch vụ y tế chưa hợp lý; không thực hiện đúng định mức theo quy định; thống kê thanh toán DVKT còn nhiều bất cập; tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm; tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý, kéo dài ngày điều trị; mua sắm, sử dụng thuốc, VTYT chưa hợp lý; Trục lợi quỹ BHYT.
Ông Lê Văn Phúc cũng dẫn giải nhiều ví dụ chứng minh cho những nguyên nhân trên. Cụ thể, về tăng chi do giá dịch vụ y tế chưa hợp lý như xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, nhân lực, thời gian không phù hợp; phân loại phẫu thuật, thủ thuật còn bất cập dẫn đến định giá không chính xác. Hơn 10.000 dịch vụ áp giá trên cơ sở 1.000 dịch vụ của Thông tư 37 và nhiều dịch vụ giá chưa phù hợp do thiếu/không có quy trình kỹ thuật, không có cơ cấu giá để xác định tương đương.
Nêu ví dụ về dịch vụ tai mũi họng gia tăng đột biến, lên đến 415 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017, ông Phúc cho rằng do xây dựng giá dịch vụ y tế chưa chính xác dẫn đến lợi nhuận khi thực hiện dịch vụ này rất lớn.
Một bệnh viện tại Nghệ An chỉ trong 9 tháng khám chữa bệnh đã chi tới hơn 8 tỷ đồng riêng dịch vụ nội soi tai mũi họng, trong khi đó tại Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ chưa đến 200 triệu đồng. Hay như, dịch vụ gây mê, một gói là 632.000 đồng, tuy nhiên, khi kiểm tra ở Viện Mắt Trung ương thì chi phí chưa đến 100.000 đồng.
Về tình trạng dịch vụ kỹ thuật cùng tên nhưng phiên tương đương khác nhau, ông Phúc lấy ví dụ như dịch vụ vét hạch cổ bảo tồn chỉ có đơn giá 4053.000 đồng nhưng gọi tên dịch vụ nạo vét hạch cổ chọn lọc có giá đến 4.487.000 đồng.
“Một bác sỹ ở bệnh viện hạng 3, 4 chỉ khám 35 bệnh nhân nhưng lại khám lên đến 180 bệnh nhân vẫn được thanh toán theo mức giá như vậy?”, ông Phúc cho biết.
Dẫn chứng một câu chuyện mà bản thân ông Phúc đã trải qua khi ông đi khám bệnh tại một phòng khám tương đối tốt ở Bình Dương. Tại đây, bác sĩ chỉ hỏi ông 3 câu rồi chỉ định đi chụp cột sống cổ, không cho ông xem film và kết quả, nói ông bị thoái hóa cột sống trong khi cổ ông không hề có bệnh. Chưa dừng lại ở đó khi bác sĩ kê đơn lại hỏi có đau dạ dày không để kê thêm những thuốc điều trị dạ dày.
Về việc trục lợi quỹ BHYT từ phía nhân viên y tế, ông Phúc lấy ví dụ như ở Sơn La có tình trạng lập hồ sơ khống để lấy thuốc tại Trạm y tế xã Púng Tra và xã Bó Mười, huyện Thuận Châu. Tại Trà Vinh, nhân viên y tế lập khống hồ sơ thanh toán để lấy thuốc BHYT (236 bảng kê với tổng chi phí là 27.324.110 đồng); Vĩnh Long: BS Lê Thành P. (TTYT Nguyễn Văn Thủ) lập khống 272 lượt KCB với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 49.179.772 đồng; Hà Tĩnh: lập khống hồ sơ để trục lợi trên 26 triệu đồng.
Trước lo lắng về việc vỡ quỹ bảo hiểm y tế, ông Lê Văn Phúc khẳng định, không bao giờ có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm y tế, việc bội chi chỉ là tạm thời. Ngành BHXH và ngành Y tế đang có những giải pháp phối hợp quyết liệt để từng bước giải quyết vấn đề này.
Bộ Y tế: Chưa phát hiện cá nhân, đơn vị tham nhũng
Trong báo cáo 138/BC-TtrB.P4 về Công tác phòng chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2017 của Bộ Y tế do Chánh thanh tra Bộ - Đặng Văn Chính ký gửi Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, nêu rõ: “Kết quả công tác, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời kỳ báo cáo chưa phát hiện cá nhân, đơn vị tham nhũng”.
Báo cáo cũng cho biết, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.