Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, Thanh tra Bộ sẽ thanh tra toàn diện việc thực hiện quy định về giá, khám chữa bệnh theo yêu cầu; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện gồm Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.
Thanh tra Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành thanh tra công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại Bệnh viện E; thanh tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về tiêm chủng tại một số điểm tiêm chủng của đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội; thanh tra chuyên đề về đầu tư mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Liên quan đến việc khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo thông tin từ Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), trong tuần tới Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ có cuộc họp về dự thảo thông tư quy định về tổ chức hoạt động và quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong các bệnh viện công, trong đó xem xét việc tính giá dịch vụ khám theo yêu cầu.
Với dự thảo hiện tại, quy định giá không quá 200.000 đồng/lần khám và giá giường bệnh cao nhất 2,4 triệu đồng/ngày/phòng một giường, thấp nhất là 600.000 đồng/ngày/phòng 4 giường.
Tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, giá khám tối đa 150.000 đồng/lần, giá giường/ngày cao nhất là 1,8 triệu đồng, thấp nhất 450.000 đồng. Với các địa phương còn lại, giá tối đa 100.000 đồng/lần khám và giá giường/ngày cao nhất là 1,2 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng.
Như vậy, khi thông tư này được áp dụng, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công lập sẽ có mức trần.
Theo dự thảo thông tư về hoạt động của đơn vị dịch vụ, khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công, trường hợp xây mới cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh theo yêu cầu trên đất của đơn vị đã được giao sử dụng thì phải phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.
Trường hợp không xây dựng mới cơ sở hạ tầng để khám chữa bệnh theo yêu cầu: Đơn vị chỉ được sử dụng một phần cơ sở hạ tầng hiện có hoặc đã cải tạo, mở rộng để tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu khi đáp ứng các điều kiện sau:
Đã bảo đảm số buồng khám cho người không sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 50 người bệnh/ngày làm việc, từ năm 2020 trở đi mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 35 người bệnh/ngày làm việc.
Đã bảo đảm số giường bệnh cho người không sử dụng dịch vụ phòng điều trị theo yêu cầu, không để người bệnh nằm ghép. Trường hợp đơn vị đã kê thêm giường bệnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế, vẫn luôn có trên 10% số giường bệnh trở lên phải nằm ghép 2 người/giường thì không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có.
Thông tư trên dự kiến ban hành trong quý 1 năm nay, sẽ là lần đầu tiên có quy định toàn diện về hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các bệnh viện công (hiện tại giá dịch vụ và tổ chức khám theo yêu cầu do các bệnh viện tự quyết định), nhằm tránh tình trạng chênh lệch quá lớn về khám dịch vụ giữa các bệnh viện cùng hạng (hiện tại giá khám từ 150.000-690.000 đồng/lần tại các bệnh viện tuyến Trung ương); tránh tình trạng cơ sở vật chất, thiết bị của phòng điều trị theo yêu cầu không tương xứng với giá dịch vụ thu của người bệnh.
Đặc biệt, thông tư cũng sẽ khống chế tỷ lệ giường dịch vụ theo yêu cầu trong các bệnh viện không để xảy ra hiện tượng dồn bệnh nhân nằm ghép, dành diện tích cho giường dịch vụ thu phí cao.