Loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11: Giảm thuế nhiều dịch vụ

Google News

Từ tháng 11, nhiều chính sách mới có hiệu lực. Trong đó đáng chú ý, nhiều loại hình dịch vụ, hàng hóa sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng.

Chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 116
Theo hướng dẫn tại quyết định 28/2021, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp không cần trực tiếp làm thủ tục nhận tiền, mà việc này do cơ quan bảo hiểm xã hội và người sử dụng lao động phối hợp thực hiện. Ngày 20/10 là hạn cuối để cơ quan BHXH gửi danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng cho doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin.
Sau khi nhận được danh sách người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ do cơ quan bảo hiểm xã hội gửi, nếu doanh nghiệp cần điều chỉnh thông tin thì muộn nhất đến hết ngày 10/11 phải hoàn thành để gửi lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định. Tối đa 10 ngày từ khi doanh nghiệp gửi lại danh sách đã điều chỉnh, người lao động sẽ nhận được tiền.
Loat chinh sach moi co hieu luc tu thang 11: Giam thue nhieu dich vu
Chậm nhất là 30/11, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 116. 
Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách điều chỉnh, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp. Như vậy chậm nhất là 30/11, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 116.
Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đến ngày 30/11 nếu chưa nhận được tiền hỗ trợ thì phải tự làm thủ tục thông qua ứng dụng VssID, qua Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc đến trực tiếp cơ quan BHXH như đối với trường hợp người đã nghỉ việc.
Giảm thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ vận tải, du lịch
Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 406 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Nghị quyết 406 có nhiều quy định về miễn giảm thuế, trong đó có thuế GTGT. Ngày 27/10, Chính phủ cũng đã có Nghị định 92 quy định chi tiết thi hành nghị quyết này.
Theo đó, từ 1/11 đến hết 31/12, các dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng gồm: Vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quàng bá và tổ chức tour du lịch. Ngoài ra, các sản phẩm và dịch vụ xuất bản nằm trong nhóm được giảm thuế gồm: Dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí…
Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau: doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT. doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT.
Trường hợp nào được từ chối tiếp công dân?
Thông tư 04 của Thanh tra Chính phủ vềquy trình tiếp công dân có hiệu lực từ 15/11. Thông tư nêu rõ về quy trình tiếp công dân quy định sẽ từ chối tiếp công dân và giải thích lý do từ chối, đồng thời báo cáo với người phụ trách nếu đó là: Người say rượu, bia; người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Thông tư 05 về tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo quy định, kể từ ngày 15/11, đơn thư khiếu nại tố cáo bằng tiếng nước ngoài kèm theo bản dịch được công chứng sẽ được tiếp nhận xử lý. Trong khi trước đây, chỉ tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo được viết bằng ngôn ngữ duy nhất là tiếng Việt.
Bảo vệ việc làm cho người lao động là người tố cáo
Từ ngày 1/11/2021, Thông tư 09 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội sẽ chính thức có hiệu lực (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020), với quy định mới liên quan đến bảo vệ việc làm người tố cáo là người đang làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp.
Theo Thông tư này, trường hợp doanh nghiệp không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban lãnh đạo của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà người lao động đó là thành viên phải có ý kiến bằng văn bản với doanh nghiệp, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan liên quan để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hỗ trợ học sinh tỉnh ngoài vào học tạm thời:

Nguồn: QTV

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)