Các đại biểu Quốc hội sáng nay 13-11 thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lo dự án đội vốn
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) băn khoăn khi thấy vốn cho dự án liên tục tăng sau mỗi lần báo cáo: lúc đầu, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo là hơn 13 nghìn tỉ đồng, sau đó là hơn 18 nghìn tỉ đồng và hiện nay là hơn 23 nghìn tỉ đồng.
"Đáng nói hơn, đây chỉ là con số ước tính tại tháng 7-2017 trong khi đây là dự án lớn, cần nhiều thời gian triển khai, đến khi thực tế triển khai thì có tăng nữa hay không?", đại biểu Tiến đặt câu hỏi.
Ông Tiến cũng lo ngại liệu Chính phủ dự phòng 10% cho dự án thì có đủ giải quyết những vấn đề phát sinh hay không.
|
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) - Ảnh: Quochoi.vn
|
Mặt khác, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội đã chấp thuận bố trí 5.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án. Nhưng nay Chính phủ trình Quốc hội cần hơn 23.000 tỉ đồng.
Như vậy, hơn 18 nghìn tỉ đồng phải lấy từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Song, ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn, có thể thu không đạt kế hoạch, nên rất khó sử dụng nguồn dự phòng này.
|
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho hay người dân địa phương mong dự án sân bay Long Thành được thực hiện, bởi vì 12 năm qua "gần như là dự án treo".
Ông Quốc đặt vấn đề: Trong bối cảnh mà tâm thế xã hội với các dự án lớn luôn đưa ra câu hỏi đầu tiên "có tiêu cực hay không", thì việc triển khai giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng sân bay Long Thành phải đặt cao khâu giám sát.
Về vốn, ông Quốc nói: "Chúng ta có nhiều dự án lớn 'đầu chuột đuôi voi', nghĩa là đưa ra đơn giản nhẹ nhàng nhưng cuối cùng tổng mức đầu tư phình ra ghê gớm, tạo bức xúc cho người dân. Tôi mong Quốc hội và các cơ quan chức năng giám sát tốt dự án này để đáp ứng niềm tin của người dân".
Không thể lấy vốn dự án trọng điểm mà đầu tư sai địa chỉ
Nhiều đại biểu đề nghị bố trí vốn cho dự án sân bay Long Thành thay vì lấy nguồn nằm trong gói 80.000 tỉ đồng cho các dự án trọng điểm quốc gia để đầu tư các dự án đường sắt và đường bộ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo: Vốn trung hạn nhiệm kỳ này, chúng ta tập trung chủ yếu vào đường cao tốc nên đường sắt và một số công trình đường bộ dở dang mà không phải cao tốc hiện đang là bức xúc rất lớn.
"Có những công trình đến bây giờ có cầu mà chưa có đường, nếu không bố trí vốn làm trong nhiệm kỳ này thì khoảng 4-5 năm nữa sẽ dẫn đến bức xúc ghê gớm, lãng phí. Do đó, Chính phủ đề xuất bố trí nguồn vốn thực hiện 10 công trình quốc lộ đang bức xúc", ông Thể nói.
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy vậy, kết luận phiên thảo luận, phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong nghị quyết của Quốc hội quy định rõ 80.000 tỉ đồng là đầu tư cho các chương trình trọng điểm quốc gia.
"Đây là các chương trình có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng. Nên phương án mà Chính phủ đề nghị trong số 80.000 tỉ đồng, có 55.000 tỉ dành cho dự án cao tốc Bắc Nam, 7.000 tỉ cho đường sắt và 8.000 tỉ cho 27 dự án quan trọng khác là không đúng quy định", ông Hiển nói.
"Vốn cho 27 công trình trên và cho tuyến đường sắt có thể sẽ dùng nguồn tiền dự phòng. Trường hợp Chính phủ thấy cần thiết thì trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định".