|
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn phòng Thủ tướng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Với những nghi thức hiếm có, Lễ đón thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Chính phủ Áo trong phát triển mối quan hệ, hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Cung điện Hofburg được xây cất từ thế kỷ thứ XIII, là một địa danh gắn liền với chiều dài lịch sử Nhà nước Áo. Đây vốn là Cung điện Hoàng gia trước đây, là nơi ở của nhiều đời Vua, Hoàng Đế nước Áo và những dòng quý tộc lớn nhất lịch sử châu Âu và nước Áo thời xa xưa. Đây cũng chính là Cung Điện mùa Đông của Hoàng tộc Habsburg thuộc Đế Quốc Áo - Hung.
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Chính phủ Áo tổ chức có sự phục vụ, diễu hành của Đội Danh dự và tiêu binh gồm hàng trăm quân nhân trong quân phục chỉnh tề, nghiêm trang đứng dọc thảm đỏ, nghinh đón hai nhà lãnh đạo theo nghi lễ ngoại giao đặc biệt của Nhà nước Áo.
|
Nghi thức đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn phòng Thủ tướng Áo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Ngay khi đoàn xe chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dừng tại thảm đỏ, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tới đón, bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại nơi đỗ xe và trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới chào Đội Danh dự. Ngay sau đó, Quân nhạc cử Quốc thiều hai nước. Dứt tiếng nhạc, hai Thủ tướng cùng sánh bước trên thảm đỏ, duyệt Đội Danh dự và tới chào thành viên Chính phủ và quan chức hai nước.
|
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc duyệt đội danh dự tại Lễ đón, được tổ chức trọng thể ở Văn phòng Thủ tướng Áo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tiếp đó, hai Thủ tướng rời đại sảnh Cung điện Hofburg để lên phòng khách, bắt đầu cuộc gặp hẹp. Sau gặp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sebastian Kurz đã dẫn đầu đoàn đại biểu hai nước tiến hành hội đàm.
|
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Năm 1972, khi cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc chưa kết thúc, Cộng hòa Áo là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên duy trì thường xuyên tiếp xúc, trao đổi các đoàn cấp cao, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, ASEAN - EU.
|
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz gặp riêng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước hội đàm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thương mại song phương giữa hai nước phát triển tích cực những năm gần đây. Các mặt hàng Việt Nam xuất sang Áo: điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt, may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác... Việt Nam nhập khẩu từ Áo các mặt hàng: dược phẩm, máy móc, thiết bị, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, giấy, thức ăn gia súc và nguyên liệu.
Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD (tăng 42% so với năm 2016). Áo trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam ở châu Âu. 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Áo đạt 2,58 tỷ USD (tăng 47% so với cùng kỳ năm trước). Nhập khẩu của Việt Nam từ Áo đạt 167 triệu USD (giảm 16%).
|
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đến tháng 8/2018, Áo có 31 dự án còn hiệu lực đang đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 143,9 triệu USD, đứng thứ 43 trong tổng số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Áo tháng 5/2012, hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác văn hóa, tạo cơ sở để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Hằng năm, Cộng hòa Áo cung cấp cho Việt Nam khoảng 20 học bổng đào tạo sau đại học. Đại sứ quán Cộng hòa Áo tại Hà Nội hỗ trợ một số tài liệu, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập cho các trường đại học có đào tạo tiếng Đức tại Hà Nội…