Lật tẩy người phụ nữ giả sư đi xin tiền để nuôi bạn trai

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi bị PV Kiến Thức phát hiện, đưa về chùa Phổ Minh để xác minh thì người phụ nữ giả sư đi xin tiền, khất thực đã thừa nhận hành vi lừa dối của mình.

Sáng nay 12/6, trao đổi với PV Kiến Thức, đại diện UBND phường 9, quận 8, TP HCM xác nhận đang tiếp tục lập hồ sơ, xác minh nhân thân người phụ nữ “giả sư” đi xin tiền bị PV Kiến Thức phát hiện.
Lat tay nguoi phu nu gia su di xin tien de nuoi ban trai
Nhiều người đi đường bày tỏ sự thành tâm khi "cúng dường" cho các đối tượng giả sư đi khất thực.
“Qua làm việc, cũng như từ lời khai của bà B.Y., chúng tôi khẳng định đối tượng này nằm trong nhóm chuyên đóng giả người tu hành để trục lợi, hoạt động nhiều nơi ở TP HCM và các tỉnh lân cận” - đại diện UBND phường 9 thông tin.
Video: Nhiều người đi đường cho tiền kẻ giả sư đi khất thực
 
Trước đó sáng ngày 10/6, nhiều người lưu thông trên quốc lộ 50 (đoạn qua khu vực chợ, bến xe quận 8, giáp giữa quận 8 và huyện Bình Chánh, TP HCM) nhìn thấy một phụ nữ lớn tuổi, mặc y áo, đội mũ của bậc tu hành, tay ôm bình bát, tay chống gậy… dò từng bước trên đường để khất thực.
Nhiều người đi đường đã xúc động, không ít người tiếp cận để tiền vào bình bát với vẻ rất thành kính.
Lat tay nguoi phu nu gia su di xin tien de nuoi ban trai-Hinh-2
Đối tượng bị lật tẩy sau chiếc mũ vẫn còn tóc.  
Tuy nhiên, khi bị phát hiện phía sau chiếc mũ đội trên đầu vẫn còn nguyên mái tóc, người phụ nữ này đã ú ớ giải thích… “do bị bệnh về não, bác sĩ không cho xuống tóc nhằm bảo vệ… da đầu”. Đồng thời, người phụ nữ này cho biết tu ở chùa Phổ Minh (dưới cầu Chữ Y, phường 9, quận 8).
Xác định dấu hiệu bất thường của người phụ nữ, PV Kiến Thức đã đề nghị người này cùng về chùa Phổ Minh để xác minh. Tại chùa Phổ Minh, sự thật đã được làm rõ về hành vi mạo danh người tu hành của người phụ nữ được cơ quan chức năng xác định tên B.Y.
Lat tay nguoi phu nu gia su di xin tien de nuoi ban trai-Hinh-3
Cuối cùng, đối tượng đã thừa nhận hành vi giả người tu hành để trục lợi. Sau đó đa4 cởi bộ bộ y áo của các bậc tu hành.
Tại đây, sau khi gặp với Sư trụ trì, bà Y. đã thừa nhận hành vi giả người tu hành với mục đích cho người đi đường thương hại để trục lợi cho bản thân. Bà Y, cho biết thêm, mục đích bà giả sư đi xin tiền để trang trải cuộc sống và nuôi một người đàn ông chỉ ở nhà… hưởng thụ.
Sau khi yêu cầu bà Y. cởi bỏ bộ y áo, mũ, bình bát… đại diện chùa Phổ Minh đã bàn giao đối tượng cho chính quyền địa phương tiếp tục làm rõ.
Lat tay nguoi phu nu gia su di xin tien de nuoi ban trai-Hinh-4
Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo VN TP HCM khẳng định, việc khất thực của nhà sư gần như không còn, không được cấp phép và đến nay không còn tồn tại. Đây là hình ảnh của người phụ nữ giả người tu hành để trục lợi.
Nói về thực trạng những người lợi dụng khoác áo người tu hành để trục lợi, Nhà sư Minh Hóa (Pháp viện Minh Đăng Quang, phường An Phú, quận 2) cho rằng, người mặc y áo, đi ngoài đường xá, ngã 3, ngã tư… nhận tiền của người có lòng tín ngưỡng như vậy không phải là chính thống của nhà sư khất sĩ (hệ giáo khất sĩ – Giáo hội Phật giáo Việt Nam). “Đây thực chất mang tính lợi dụng cho nhu cầu đời sống, không đúng luật pháp nhà Phật; không tạo hình ảnh đẹp, gây hiểu lầm” - nhà sư Minh Hóa khẳng định.
Theo sư Minh Hóa, khất sĩ đi khất thực trong phạm vi có giờ giấc (từ sáng sớm đến đúng ngọ); đến nơi quang đãng, thanh vắng, yên tịnh; không phải ôm bình bát đứng giữa đường; đặc biệt việc nhận tiền là không đúng cách vì khất sĩ chỉ nhận đồ ăn như bánh kẹo, cơm, cháo… tùy món ăn mà nhà sư sẽ nhận. Nhà sư khất thực ôm bình bát vào xóm làng nơi thanh tịnh, thanh vắng một cách nhẹ nhàng. Khi đầy bát sẽ quy về tịnh xá hay nơi vườn rừng, nơi ngọ trưa để chú nguyện, thọ trai.
"Mở lớp" đào tạo sư giả!
Trao đổi với Kiến Thức, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM cũng khẳng định: "Từ sau năm 1975, việc khất thực của nhà sư gần như không còn, không được cấp phép và đến nay không còn tồn tại.
Thời gian qua, nhiều đối tượng lười lao động đã lợi dụng để hành nghề nhằm mưu cầu tư lợi, thậm chí còn có không ít nơi mở lớp đào tạo sư giả. Vì vậy, Thành hội Phật giáo khuyến cáo người dân, để tránh bị kẻ gian lợi dụng lòng từ thiện cũng như tiếp tay 'nuôi' kẻ lười biếng, tốt nhất không nên cho tiền sư khất thực".
 
Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)