Châu Bình là xã thuộc huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) có 50% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Vào thập niên 1990, nơi đây được biết đến là thủ phủ đá đỏ với tình hình an ninh cực kỳ phức tạp.
Năm 1985, ông Lang Thanh Hoài (SN 1961) được bầu vào Ban an ninh của xã. Ông không nhớ rõ vì sao mình lại chọn công việc này. Chỉ biết rằng, sau 33 năm, vẫn không ai có thể thay thế ông trong lòng người dân Châu Bình.
|
Thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu (Nghệ An) nơi một thời có hàng vạn người ở khắp cả nước quy tụ, đổ xô đến tìm vận may. Ảnh: Quốc Huy |
Nhớ lại những năm đầu làm công an xã, dù không có chế độ phụ cấp hay tiền lương nhưng ông Hoài vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Những lần xuống thôn bản làm việc, bà con hay biếu ông củ khoai, củ sắn hay búp măng làm quà.
Vào đầu thập niên 1990, một “biến cố” lớn xảy ra ở Châu Bình. Ít ai có thể ngờ được, mảnh đất yên bình lại phát hiện ra đá đỏ. Không lâu sau, nơi đây trở thành một “lãnh địa máu”. Hàng nghìn người tứ xứ kéo đến tìm kiếm vận may, các băng nhóm giang hồ cộm cán nổi lên tranh giành các ‘bưởng trướng’.
Vô số người vì đá đỏ mà rơi vào cảnh cơ cực, lầm than. Người chết vì sập mỏ, kẻ bỏ mạng vì chém giết và những cơn sốt rét rừng thấu da, xuyên thịt.
Để bảo vệ những người đào đá đỏ luôn có một đội quân cầm đao, kiếm đứng ngoài, sẵn sàng đổ máu với bất cứ kẻ nào có ý đồ xâm lấn ‘bưởng trướng’. Dù một mình nhưng với bản tính gan lì, ông Hoài vẫn vào kiểm tra từng điểm mỏ, vận động người dân bỏ vũ khí trở về nhà.
Khi tình hình ngoài tầm kiểm soát, Công an tỉnh Nghệ An phải thành lập Trạm Cảnh sát vùng kinh tế đặc biệt, điều động hàng trăm chiến sĩ, đảm bảo an ninh cho vùng đá đỏ.
Ông Hoài trở thành đầu mối cực kỳ quan trọng, vừa cung cấp thông tin cho công an tỉnh, vừa lăn xả vào những điểm nóng, phối hợp trấn áp tội phạm cộm cán.
Vào tháng 6/1991, một vụ sập hầm khủng khiếp xảy ra ở đồi Tỷ. Trực tiếp tham gia cứu nạn, ông Hoài vẫn nhớ như in khung cảnh đổ sập xuống. Sau lớp bụi mù là một cảnh tượng hỗn loạn.
Mọi người xô đẩy, giẫm đạp lên nhau mong thoát ra ngoài. Sau 5 ngày tìm kiếm, những thi thể được xếp thành hàng dài, không một chiếc quan tài hay mảnh chiếu che thân. Tiếng khóc tê tái xuyên thấu tim gan.
“Thời đó chưa có máy móc hiện đại để cứu hộ. Chúng tôi chỉ biết dùng tay không bới cào từng lớp đất. Không ai biết ở đó có bao nhiêu người bị vùi lấp, chỉ biết rằng có 70 thi thể đã được tìm thấy. Dưới đồi Tỷ vẫn còn rất nhiều sinh mạng xấu số”, ông Hoài nhớ lại.
Sau những lần sập hầm, vô số phi vụ thanh toán đẫm máu. Người dân địa phương nói thịt xương người trên đồi Tỷ, đồi Triệu còn nhiều hơn những viên đá ruby mà họ từng tìm kiếm.
Năm 1994, Nhà nước cấp phép mỏ cho 4 xí nghiệp khai thác. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của công an, một năm sau đó, các băng nhóm giang hồ được dẹp yên. Đá đỏ cũng dần biến mất không còn để khai thác.
Già làng ở thủ phủ đá đỏ
Ông Hoài cho biết, trong thời kỳ đá đỏ, đa số người dân đều từ bỏ sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm hécta rừng, đồng ruộng bị đào xới lên để tìm đá.
Sau khi đá đỏ biến mất, người dân hầu như ai cũng tích lũy được một khoản tiền. Tuy nhiên, thay vì dùng tiền làm vốn kinh doanh, sản xuất thì họ ném vào ma túy, cờ bạc, mại dâm... Một cuộc chiến chống tệ nạn xã hội, đói nghèo ở Châu Bình bắt đầu.
Để ổn định đời sống nhân dân, ông Hoài cùng nhiều cán bộ đã không quản ngại khó khăn, đến từng hộ vận động bà con phục hóa đất đai, tập huấn cho họ kỹ thuật trồng rừng, làm rẫy.
Sau nhiều năm cố gắng, hàng trăm hécta rừng được phủ xanh. “Cối xay thịt” đồi Tỷ, đồi Triệu giờ đây cũng bạt ngàn cây keo. Đời sống bà con dần được ổn định, nhiều người từ bỏ con đường nghiện ngập, xin được đi cai ma túy.
Tại những buổi làm việc ở UBND xã, có nhiều người tìm đến nhờ ông Hoài giảng hòa. Cách nói chuyện nhẹ nhàng, làm việc có tình, có lý nên ai cũng nể phục và nghe theo lời ông. Vợ chồng cãi cọ, cha con mâu thuẫn… chỉ cần ông nói một tiếng là mọi chuyện được giải quyết.
Xã có 50% dân số là người nhập cư, khoảng 42% hộ nghèo. Trình độ dân trí còn thấp dẫn đến tình hình an ninh phức tạp, thanh niên dễ bị sa vào tệ nạn.
Năm 2018, ông đã phối hợp với công an huyện bắt được 2 vụ buôn bán ma túy, đưa 55 thanh niên đi cai nghiện.
Ông Hoài tâm sự, tuy chức danh nhỏ nhưng công việc rất nhiều và nguy hiểm. Năm 2008, trên đường đi làm về, ông bắt gặp 6 thanh niên xã bên đi xe máy nẹt bô, bấm còi inh ỏi. Thấy nguy hiểm cho người đi đường, ông Hoài quyết định chặn xe, nhắc nhở. Sau khi về nhà 30 phút, nhóm này kéo đến tìm ông trả thù.
“Tôi quyết định mở cửa, mời họ vào nhà uống nước. Họ tỏ ra bức xúc vì bị tôi làm mất mặt, nhưng sau khi giải thích cặn kẽ thì mọi người trở nên vui vẻ. Hôm đó tôi còn mời họ ở lại nhà uống rượu”, ông Hoài chia sẻ.
Tật mà ông cho là xấu nhất là nghiện thuốc lào, xem thuốc lào như một người bạn. Những lúc làm việc căng thẳng, suy nghĩ bế tắc ông lại mang điếu cày ra rít vài hơi.
Ông Hoài có 3 người con, tất cả đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Người con trai út theo nghiệp bố, hiện là công an viên của xã.
Người dân thường gọi ông Hoài là “thổ địa” của xã. Dấu chân ông đã in hằn mọi ngóc ngách, ngõ hẻm. Từng nóc nhà, ngọn đồi ông đều thuộc trong lòng bàn tay.
Nhiều người cho rằng, chỉ có ông Hoài mới đủ khả năng làm trưởng Công an xã Châu Bình bền bỉ, lâu đến thế ở thủ phủ đá đỏ này.