Canh đào, quất Tết: "Suốt 10 năm qua là từng đó thời gian tôi đón Giao thừa ngoài đường"
Trời điểm 0h sáng, từng đợt gió lạnh cứ thế thốc thẳng vào túp lều dựng tạm ven đường nơi anh Đinh Công Văn (26 tuổi, quê huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đang nằm co ro bên trong tranh thủ chợp mắt ở ven đường Nguyễn Chánh, Hà Nội. Gần 10 ngày qua, anh Văn tạm gác công việc xây dựng để tập trung canh, bán đào quất để mong có cuộc sống no đủ.
Không ngủ được, anh Công kéo khoá lều chui đầu ra. Cạnh đó, Đinh Mạnh Thắng (19 tuổi) ngồi hơ tay sưởi để xua đi cái lạnh thấu da thịt 8 độ C. Chốc chốc khói bốc lên khiến cả hai cay xè mắt.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, anh Văn cho biết, đây là năm thứ 10 anh làm công việc này. Từng đó thời gian anh gần như đón Giao thừa ngoài đường.
"Công việc của tôi thường ngày đó là sửa chữa, cơi nới nhà cửa. Dịp tháng cuối năm công việc ít hơn nên tôi chuyển sang phụ bán dào quất cho anh chị thân thiết trong gia đình. Mọi năm thì từ ngày mùng 10/12 âm lịch bắt đầu bán nhưng năm nay bán sớm hơn", anh Văn chia sẻ.
Theo anh Văn, thường ngày anh sẽ phụ bán, bê vác đào, quất. Thậm chí kiêm nhiệm luôn dịch vụ chở đến tận nhà cho khách. Đêm đến, anh nhận thêm việc trông nom và gần như phải thức trắng đêm.
"Tôi thường tranh thủ ngủ ban ngày lúc chưa đông khách hoặc đêm anh em thay nhau trực mỗi người ngủ một lát. Vài bữa đến ngày sát Tết công việc bận rộn hầu như không có thời gian ngủ. Hai ngày nay trời lạnh quá khiến tôi gần như mất ngủ, thức trắng đêm", anh Văn tâm sự.
Trước đó, một ngày không khí lạnh tràn về kèm theo mưa nặng hạt khiến anh cảm nhận cái lạnh thấu xương, khắc nghiệt của thời tiết. "Âu cũng vì muốn Tết bánh chưng có nhân thịt nên tôi phải cố gắng. Nay tôi che thêm tấm bạt chắn gió xung quanh nên cũng đỡ lạnh hơn. Càng về khuya trời càng rét buốt", anh cười nói.
Công việc tháng cuối cùng của năm bận rộn nên anh Văn cũng như nhiều người không có thời gian về quê với người thân, gia đình. Mọi việc chăm sóc hai con nhỏ đều phải nhờ vợ đảm đương, gánh vác.
"Nhà tôi cách Hà Nội 80km, suốt 10 năm qua là từng đó thời gian tôi đón Giao thừa ngoài đường. Có năm thời khắc đón chào năm mới thì tôi đi về đến Khu công nghệ cao Láng – Hoà Lạc, có năm thì đến đầu Phú Thọ.
Nhiều khi bố mẹ tôi cũng xót con, lo cho mình vất vả nhưng âu cũng là cuộc sống gia đình và lo cho con nhỏ nên vợ chồng tôi động viên nhau. Thời buổi kinh tế khó khăn không đi kiếm đâu ra tiền nên phải cố gắng. Có về đón Tết muộn chút miễn sao mang tiền vợ cho vợ", anh cười nói.
Ngủ thùng xe tải, trắng đêm canh đào, quất Tết
Lần đầu tiên từ quê xuống Thủ đô làm thuê trông đào quất, Đinh Mạnh Thắng mới cảm nhận rõ câu nói "Thức khuya mới biết đêm dài". Càng gần sáng cái lạnh càng thấm rõ khiến chàng thanh niên này phải ngồi sát cạnh đống lửa.
"May anh em dùng củi đốt để bớt lạnh chứ không rét không chịu được. Bình thường thì em làm công cho nhà hàng. Năm nay người thân nhờ xuống trông hộ. Ban ngày thì em ngủ, tối thì thức để trông nom. Hai đêm nay gần như thức trắng vì lạnh quá. Đi làm chỉ mong chờ có tiền sắm Tết, phụ giúp gia đình", Thắng chia sẻ.
Trời khuya, chị Đỗ Thị Hoa (37 tuổi, quê huyện Kim Bảng, Hà Nam) ngồi co ro trên thùng chiếc xe tải, xung quanh bày đầy chậu quất mini bán cho khách ở ven đường Nguyễn Xiển. Cạnh đó, chồng chị đang cùng một người thân ngồi ăn đêm, uống vài chén rượu để vơi đi cái lạnh cắt da thịt của đợt rét đậm, rét hại nhất kể từ đầu mùa đông năm nay.
"Bình thường chồng tôi làm nghề phụ hồ, tôi thì buôn hoa quả. Tháng cuối năm nay hai vợ chồng bàn nhau 'đánh liều' với hy vọng kiếm cái Tết. Chúng tôi đánh xe về Hưng Yên mua quất lên Hà Nội bán được hai ngày nay mà thời tiết rét quá. Tối đến cả hai vợ chồng trải chăn chiếu ngủ luôn trên ô tô mà lạnh không ngủ nổi. Hôm trước trời còn mưa lạnh dột xuống càng giá buốt hơn", chị Hoa kể.
Vợ chồng chị Hoa lấy 120 chậu quất mini về, hai ngày mới bán được khoảng 10 cây. Chị bộc bạch, năm nay kinh tế khó khăn, sức mua sắm của mọi nhà có sức giảm hơn mọi năm. Đây là khó khăn chung nên vợ chồng động viên nhau cố gắng với hy vọng cái Tết đủ đầy hơn.
"Con cái ở quê vợ chồng tôi nhờ ông bà nội ngoại chăm nom. Chỉ hy vọng một hai ngày tới trời đỡ rét chứ hai ngày qua lạnh quá chân tay nứt nẻ, đau buốt cũng cực. Nhưng vì cuộc sống, mình có sức khoẻ nên phải cố gắng hơn", chị Hoa chia sẻ thêm.