Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng, đã được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ năm 2013. Bên cạnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì đây được coi là “một trong hai mũi giáp công” nhằm đảm bảo nguồn lực của đất nước được sử dụng hiệu quả để phát triển, nhất là trong điều kiện nước ta còn khó khăn.
Thủ tướng ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn cũng như có chương trình hàng năm; các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành chương trình cụ thể… Qua đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được những kết quả quan trọng, biểu hiện rõ nhất trong tiết kiệm chi thường xuyên hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng" |
Đơn cử cách đây hơn 10 ngày, 14.620 tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 (trong đó có tiết kiệm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí, 10% chi thường xuyên khác...) được bổ sung vào dự phòng ngân sách trung ương ưu tiên chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa đến mức nào.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” do ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” do ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn.
Tuy vậy, các báo cáo cũng như ý kiến trên diễn đàn Quốc hội cho thấy, bên cạnh những kết quả thì công tác tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt như yêu cầu và kỳ vọng khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước thẳng thắng chỉ rõ: “thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”, “so với nước giàu mới thấy ta quá lãng phí”, “phải xem chống lãng phí là trách nhiệm lớn”.
Bên cạnh vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều vấn đề phải bàn thì thực tế cho thấy chúng ta chưa hình dung rõ sự lãng phí đang ở mức độ bao nhiêu, cụ thể ở những lĩnh vực gì, trách nhiệm thuộc về ai... Nhiều ý kiến từng thốt lên rằng thật xót xa khi thấy những mảnh đất rộng bỏ hoang hóa nhiều năm, vị trí “đất vàng” không được sử dụng hiệu quả hay các đại dự án thua lỗ nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm,… Điều đó đòi hỏi vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều việc cần quan tâm hơn.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khi đề cập nhiệm vụ trọng tâm cũng như định hướng phát triển cũng xác định rõ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ngay trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII vừa qua, điều này một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi yêu cầu thời gian tới kiên quyết chống lãng phí.
Quốc hội khóa XV, ngay tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021) đã quyết định giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. Dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo giám sát nội dung này cũng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo thẩm quyền với nhiều chỉ đạo mạnh mẽ, cụ thể.
Phạm vi giám sát là tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước. Quốc hội quyết tâm đánh giá đúng tình hình, lý giải nguyên nhân để từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển.
Hơn một lần nhấn mạnh “đôi khi hậu quả của lãng phí còn lớn hơn tham nhũng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nói giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nghe đơn giản nhưng đi sâu vào lại toàn đại sự, bởi liên quan trực tiếp đến nhân lực, vật lực, tài lực của quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng"
Tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rất lớn, quốc gia nào cũng chú ý, nhất là nước có nguồn lực còn hạn chế như chúng ta. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống một bộ phận cán bộ còn khó khăn nên nếu tiết kiệm được đồng nào thì ích lợi cho quốc gia đồng đó. Điều kiện còn khó khăn mà không tiết kiệm thì có lỗi với dân! Nhiều đại án kinh tế được đưa ra xét xử thời gian qua cũng đã minh chứng điều này khi hàng chục nghìn tỷ đồng thất thoát, lãng phí.
Chính vì vậy, cuộc giám sát lần này được xác định sẽ trọng tâm, trọng điểm và cần trả lời thẳng vào những câu hỏi cụ thể, rõ địa chỉ, trách nhiệm để không né tránh. Ví dụ như cả nước có bao nhiêu diện tích đất đã giao mà chưa thu tiền sử dụng đất, hay sử dụng không đúng mục đích? Việc quản lý sử dụng đất nông lâm trường thế nào? Đất nông nghiệp có tổng diện tích hoang hoá, chưa sử dụng là bao nhiêu? Chi họp hành, lễ tân, đi nước ngoài, công trình dự án dở dang kéo dài gây lãng phí ra sao?... và hàng loạt lĩnh vực thuộc đầu tư, chi tiêu công đều phải đánh giá kỹ lưỡng về tính hiệu quả.
Nói cách khác, với quyết tâm coi giám sát là một trọng tâm đổi mới của hoạt động Quốc hội, lãng phí sẽ “hiện hình” rõ hơn trong thời gian tới khi mà cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đang được chuẩn bị rất bài bản, quyết tâm cao “để trả lời với nhân dân và cử tri”.