Làm gì để TP HCM đạt mục tiêu "kiểm soát dịch trước ngày 15/9"?

Google News

Để kiểm soát dịch trước 25/8 ở các địa phương và trước 15/9 ở TP.HCM, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cách ly, khoanh vùng, tiêm vaccine.

Cô lập những điểm nóng của dịch, tách vùng có dịch với vùng xanh an toàn, dần mở rộng vùng xanh, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội... có thể giúp TP.HCM và các địa phương kiểm soát dịch bệnh theo "mốc" Chính phủ vừa đặt ra.
Những giải pháp này được PGS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), đưa ra trong cuộc trao đổi với Zing sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 về những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Quyết liệt, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội
- Trong bối cảnh dịch phức tạp, khó lường và khó dự báo như hiện nay, theo ông, việc Chính phủ nêu mục tiêu cụ thể TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch trước 15/9; Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9; còn các địa phương khác kiểm soát dịch trước 25/8, có ý nghĩa như thế nào?
- Chính phủ đặt ra thời hạn cụ thể để kiểm soát dịch bệnh cho những vùng đang “nóng” như TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam là việc làm cần thiết, có hai ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, đặt các cơ quan, bộ, ngành, địa phương vào trạng thái phải cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao nhất và lên kế hoạch, chương trình hành động để đến thời điểm đó kiểm soát được dịch. Việc có lộ trình và kế hoạch sẽ giúp Chính phủ và hệ thống phòng chống dịch có hành động cụ thể, logic với nhau để đạt mục tiêu đặt ra.
Lam gi de TP HCM dat muc tieu
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng việc Chính phủ đưa ra mục tiêu cụ thể về thời gian kiểm soát dịch ở các địa phương có hai ý nghĩa quan trọng. Ảnh: Thuận Thắng. 
Hai là việc này giúp cho người dân, doanh nghiệp thấy rõ lộ trình để yên tâm, chủ động trong việc chuẩn bị những điều kiện sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng bị động, hoang mang, không biết thời điểm nào có thể hoạt động.
- Để đạt được mục tiêu cụ thể và quan trọng ấy, các bộ, ngành địa phương cần thực hiện đồng bộ những giải pháp gì?
- Ở các vùng đang là trọng tâm của dịch hiện nay như TP.HCM hay các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể.
Kế hoạch này bắt đầu từ việc sàng lọc, khoanh vùng, cô lập được các điểm nóng của dịch bệnh, tách được những vùng có dịch với vùng xanh an toàn và bảo vệ vùng xanh, dần dần kiểm soát tình hình ở vùng dịch và mở rộng vùng xanh.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm và quyết liệt giải pháp giãn cách xã hội. Việc này cần làm đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, tổ dân phố và từng người dân trong việc bảo vệ vùng xanh, cụm dân cư, địa bàn của mình.
Để kiểm soát được dịch, y tế là giải pháp quyết định nên phải có hỗ trợ y tế hữu hiệu cho tất cả đối tượng ở vùng trọng điểm của dịch. Ví dụ, ở TP.HCM có 5 tầng điều trị thì hệ thống y tế cũng phải phủ kín 5 tầng ấy, đặc biệt là dưới cần có hệ thống y tế rộng, không cần bác sĩ giỏi, có chuyên môn cao nhưng cần có lực lượng y tế để hỗ trợ trực tiếp cho người dân.
Đội ngũ y tế cơ sở phải là nơi đầu tiên tiếp cận tất cả yêu cầu về hỗ trợ y tế, tư vấn, khám sàng lọc cho những người có nhu cầu ở tầng điều trị bên dưới, phát hiện ngay đối tượng nào cần hỗ trợ y tế tích cực để chuyển tuyến. Việc này sẽ giúp sàng lọc để thông tin đến với cơ quan hỗ trợ tích cực ở tầng trên không bị nhiễu. Như vậy, hỗ trợ y tế sẽ có hiệu quả hơn.
Giải pháp quan trọng khác chính là chiến lược vaccine, trước hết đẩy mạnh, ưu tiên ở những vùng đang là trọng tâm của dịch. Nếu đảm bảo được nguồn vaccine, tôi tin những địa bàn như TP.HCM, Bình Dương hay Hà Nội, chỉ trong vòng một tháng có thể tiêm phủ với tỷ lệ cần thiết.
Thành lập lực lượng vận tải chuyên biệt
- Chính phủ đặt mục tiêu không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, 2 thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội cùng các vùng kinh tế trọng điểm phía nam đều đang phải đối mặt với dịch bệnh nghiêm trọng. Theo ông, thực tế đó tạo ra áp lực gì?
- Khi chúng ta khoanh vùng để chống và kiểm soát dịch bệnh, việc hạn chế người lưu thông, di chuyển từ vùng này qua vùng khác để ngăn nguy cơ lây lan dịch cũng kéo theo hoạt động lưu thông hàng hóa bị đình trệ. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ rất nguy hiểm vì với những vùng đang bị phong tỏa mà không đáp ứng đủ nhu cầu về thực phẩm, người dân không thể yên tâm thực hiện cách ly.
Lam gi de TP HCM dat muc tieu
Đại biểu Quốc hội kiến nghị thành lập những lực lượng vận tải mang tính chất chuyên biệt để đảm bảo lưu thông hàng hóa, giúp giải pháp cách ly được thực hiện triệt để. Ảnh: Duy Hiệu. 
Bên cạnh đó, nếu không lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, sản phẩm tạo ra cũng bị ứ đọng. Và không có tiềm lực về kinh tế sẽ không thể chống dịch được.
Nhưng rất may trong bối cảnh khó khăn ấy, chúng ta đã có phương thức khá hiệu quả là phân luồng xanh cho vận tải hàng hóa, quy định rõ phương tiện nào được lưu thông trong địa bàn tỉnh, loại nào được lưu thông liên vùng.
Chúng ta cần mở rộng thêm luồng xanh bằng cách thành lập những lực lượng vận tải mang tính chất chuyên biệt. Tức là lực lượng vận tải thuộc luồng xanh đã được kiểm tra, xét nghiệm sẽ được quyền lưu thông giữa vùng có dịch với vùng không có dịch.
Họ phải được tổ chức, quản lý một cách riêng biệt để chỉ tiếp xúc với 2 đầu là nơi nhận hàng và nơi giao hàng, không tiếp xúc với bất kể bên thứ ba nào. Họ sẽ là lực lượng an toàn, chuyên tâm chỉ làm công tác vận tải, khi đó sẽ đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt.
Hiện nay, chúng ta đang huy động tốt sự góp sức của lực lượng quân đội và ta phải quản lý lực lượng vận tải chuyên biệt này với kỷ luật như trong quân đội.
Chuẩn bị phục hồi kinh tế ngay từ bây giờ
- Trải qua 4 đợt dịch, kinh tế đã bị ảnh hưởng, tác động nặng nề. Ông đề xuất giải pháp gì để có thể phục hồi, phát triển kinh tế ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát?
- Chúng ta phải chủ động chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi kinh tế ngay từ bây giờ.
Khi thực hiện chiến lược vaccine, ngoài ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu và những người dân ở vùng trọng điểm của dịch, thì lực lượng công nhân, người lao động trong nhà máy, khu công nghiệp cũng cần được ưu tiên, để giúp họ yên tâm ở lại sản xuất.
Lam gi de TP HCM dat muc tieu
Kế hoạch phục hồi kinh tế cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ. Ảnh: Phạm Ngôn. 
Song song với đó, chúng ta phải chuẩn bị ngay nguồn lực cho hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh để khi hết dịch, họ có thể quay trở lại sản xuất được ngay. Ví dụ, chuẩn bị nguyên liệu, vật liệu, nguồn tài chính để tạo vốn cho doanh nghiệp hoạt động…
Mặt khác, phải sớm triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giúp doanh nghiệp tồn tại được, không phải rút lui khỏi thị trường sau khi bị tác động nặng nề bởi 4 đợt dịch.
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ về nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn để doanh nghiệp không phải lo chuyện trả các khoản nợ cho ngân hàng, lại có nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh mới.
- Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%. Với diễn biến dịch hiện tại, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của việc thực hiện chỉ tiêu này?
- Kế hoạch 5 năm rất dài hạn và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nếu chúng tận dụng được cơ hội kiểm soát dịch sớm, tôi cho rằng mục tiêu 5 năm tới không phải là vấn đề lớn, vì ta còn 4 năm nữa để tạo ra bứt phá. Nhưng tôi nhắc lại, điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến phòng chống dịch nên không thể nói trước được.
Nhưng riêng năm 2021 chắc chắn sẽ là một năm vô cùng thách thức và khó khăn, khi đợt dịch thứ tư gây ra những tác động nặng nề nhất. Chúng ta đặt ra mục tiêu là để phấn đấu, nhưng cái đích của năm 2021 chính là phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh và bước đầu phục hồi các hoạt động kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hoài thu/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)