Lâm Đồng: Mô hình du lịch canh nông còn nhiều vướng mắc

Google News

Mô hình du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng đang đối diện nhiều vướng mắc, trong đó lớn nhất là Luật Đất đai, Luật Du lịch và Luật Xây dựng.

Chiều 17/10, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả đạt được và các khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch canh nông (DLCN) trên địa bàn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tỉnh Lâm Đồng đã quyết định công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Từ năm 2018 (thời điểm công nhận điểm du lịch canh nông) đến nay đạt hơn 7 triệu lượt khách.
Ngoài những hiệu quả đạt được, Sở VHTTDL cùng các doanh nghiệp tham gia hội nghị nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cần được tháo gỡ. Trong đó quan trọng nhất là những vướng mắc tới Luật Đất đai, Luật Du lịch và Luật Xây dựng.
Lam Dong: Mo hinh du lich canh nong con nhieu vuong mac
 Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Cụ thể là các vấn đề về tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp. Hơn nữa, hiện nay các bộ ngành trung ương vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông.
Lam Dong: Mo hinh du lich canh nong con nhieu vuong mac-Hinh-2
 Toàn cảnh hội nghị.
Lam Dong: Mo hinh du lich canh nong con nhieu vuong mac-Hinh-3
Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị.  
 
Ghi nhận DLCN là một thế mạnh đặc biệt của du lịch Đà Lạt nhưng bà Trần Thị Vũ Loan - Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại vướng mắc của mô hình này trên địa bàn. 
Thực tế DLCN gần như có quy hoạch đất là thuần nông nghiệp. Nhiều cơ sở không có một m2 đất ở nào. Nhiều điểm DLCN ở xã Tà Nung, diện tích từ vài ha đến gần 10 ha nhưng lại không có một m2 đất xây dựng nào. Đây là điều cực kỳ khó vì không phù hợp quy hoạch. “Nếu làm công trình kiên cố thì vi phạm trật tự xây dựng. Còn làm công trình tạm thì Luật Xây dựng cũng không quy định rõ về việc cấp phép, thời hạn, quy mô, đối tượng. Nếu yêu cầu các điểm DLCN phải chấp hành quy định về đất đai, xây dựng thì hầu hết đều vi phạm”, bà Loan phân tích.
Do vậy, TP Đà Lạt mong muốn các sở ngành sẽ cùng địa phương có định hướng, hướng dẫn. Cần căn cứ vào điều kiện của địa phương, của doanh nghiệp và cả người dân có nhu cầu làm DLCN để có phương án, tiêu chí thực hiện phù hợp với thực tế.
Kết luận hội nghị, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao mô hình DLCN là loại hình du lịch hấp dẫn, khai thác tiềm năng, lợi thế của Lâm Đồng. Doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo liên tục, vì nếu du khách đến lần thứ 2 mà không thấy điều gì mới hơn, sáng tạo hơn thì họ không quay lại nữa.
Ông yêu cầu cơ quan chức năng phải hiểu và bám sát quy định hiện hành theo quy định pháp luật để hướng dẫn cho người dân. “Nếu không nắm được, người dân và doanh nghiệp hỏi mà chúng ta không biết, cứ trả lời là “theo các quy định hiện hành” thì giống như đánh đố doanh nghiệp”, ông S nói.
Về phía các cơ quan quản lý, ông S giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định, tham mưu UBND tỉnh về phương án sử dụng đất đa mục đích. Việc hướng dẫn, bộ tiêu chí quy định phải đạt yêu cầu dễ làm, dễ hiểu, dễ thực hiện và có tính khả thi cao.
Sở VHTTDL rút kinh nghiệm thời gian qua để xây dựng bộ tiêu chí để xây dựng DLCN. Tiêu chí này phải phù hợp điều kiện thực thế, không thách thức, không viễn vông, đảm bảo cao nhất về an toàn tính mạng du khách.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị, các chủ thể làm DLCN khi thực hiện phải được cấp thẩm quyền phê duyệt. “Được duyệt thế nào thì theo quy định. Điều này là để không phải lo lắng việc bị phạt vi phạm hành chính”, ông S phát biểu.
Nguyễn Trung

>> xem thêm

Bình luận(0)