Nữ doanh nhân sàn giao dịch
Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2010, Phạm Thị Mai Phương (SN 1979, ĐKHK tại ngõ Toàn Thắng, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội) thuê trụ sở mở sàn giao dịch bất động sản Điền Gia tại Hải Phòng để kinh doanh nhà đất. Nhưng chỉ hoạt động một thời gian ngắn, cuối năm 2010, Phương chuyển lên Hà Nội để thực hiện giấc mơ trở thành nữ doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản, đứng tên thành lập Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang Hà Nội (thuê trụ sở tại số 4 Lê Văn Hưu, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng).
Trong thời gian làm Giám đốc Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang Hà Nội (từ tháng 10.2010 đến tháng 11.2011), Phương đã giới thiệu cho ông Triệu Quốc Cường (ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng) mua đất tại dự án khu đô thị mới Phương Trang - vịnh Đà Nẵng.
Do quen biết và tin tưởng Phương từ thời gian cô ta kinh doanh bất động sản tại Hải Phòng nên từ tháng 10.2010 đến tháng 5.2011, ông Cường đã chuyển khoản 3,5 tỷ đồng cho Phương trước để đăng ký mua đất. Sau đó, ông Cường đến trụ sở Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang Hà Nội để yêu cầu Phương viết phiếu thu và ký hợp đồng góp vốn mua 3 thửa đất ký hiệu từ E01 đến E03.
Tuy nhiên Phương chỉ ký tên đóng dấu “Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang Hà Nội – quận Hoàn Kiếm”, đưa cho ông Cường 2 phiếu thu mua 2 lô đất E01, E02 số tiền 2.450.000.000 đồng. Còn lô đất E03 do ông Cường đứng tên đặt mua, Phương nhận của bà Hàn Thị Thanh Mai (ở quận Đống Đa, Hà Nội) số tiền 1.535.000.000 đồng đã được chuyển qua tài khoản.
|
Đối tượng Phạm Thị Mai Phương. |
|
Những hợp đồng, phiếu thu do Phạm Thị Mai Phương làm giả để lừa đảo, chiếm đoạt hàng. |
Thực tế đến tháng 5.2011, thời điểm ông Cường đã nộp tiền mua 3 lô đất ký hiệu E01-E03 thì Công ty CP đầu tư Phương Trang mới bắt đầu phát bán dự án khu đô thị mới Phương Trang nhưng không phát bán các lô đất tại dãy E.
Theo đại diện Công ty Phương Trang thì Phạm Thị Mai Phương không được đại diện công ty để ký hợp đồng góp vốn và không được thu tiền của khách hàng. Thế nhưng lợi dụng chức danh giám đốc Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang Hà Nội, Phương làm giả 3 hợp đồng góp vốn và 2 phiếu thu tiền để lừa người bị hại nhằm chiếm đoạt số tiền trên 3,9 tỷ đồng đã được ông Cường và bà Mai chuyển vào tài khoản của Phương tại ngân hàng theo yêu cầu của cô ta.
Xác minh tại Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang Hà Nội (nay là Công ty TNHH Phương Trang Hà Nội) cho thấy không có thông tin về khách hàng Triệu Quốc Cường mua đất tại dự án khu đô thị mới Phương Trang – vịnh Đà Nẵng.
Kịch bản lừa đảo nối tiếp
Không dừng lại ở đây, đầu năm 2012, khi Phương chuyển sang làm Trưởng văn phòng đại diện Công ty CP đầu tư Mega tại Hà Nội, hành vi lừa đảo của “kiều nữ” lại nối tiếp.
Theo Công ty CP đầu tư Mega (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) thì công ty này là chủ dự án Habour Ville ReverSide tại Đà Nẵng. Năm 2011, công ty có mở văn phòng đại diện tại Hà Nội, địa chỉ số 1 Đào Duy Anh, quận Đống Đa để giao dịch tiếp thị bán sản phẩm của công ty là các lô đất tại dự án Habour Ville ReverSide tại Đà Nẵng.
Văn phòng đại diện tại Hà Nội do Phạm Thị Mai Phương là trưởng văn phòng chỉ có chức năng giao dịch tiếp thị sản phẩm, không có chức năng thu tiền của khách hàng đặt cọc mua đất. Khi có khách hàng mua, khách sẽ trực tiếp ký hợp đồng và nộp tiền cho công ty.
Do cần tiền chi tiêu cá nhân nên khi nhậm chức Trưởng văn phòng đại diện Công ty CP Mega tại Hà Nội, Phương đã nghĩ kế lừa đảo người có nhu cầu đầu tư bất động sản. Người bị hại của Phương lần này là bà Nguyễn Thị Xuân Hường ở Hà Nội. Do có quan hệ làm ăn từ trước nên khi được Phương giới thiệu, mời đầu tư tại dự án do Công ty CP đầu tư Mega là chủ đầu tư, bà Hường rất tin tưởng, nhất là khi Phương lại là Trưởng văn phòng đại diện.
Cũng vì chiếm được niềm tin của bà Hường nên Phương đã lập ra một kế hoạch lừa tiền của nạn nhân khá hoàn hảo. Cô ta dùng sơ đồ dự án Habour Ville ReverSide tại Đà Nẵng, đổi tên thành dự án “Hưng Gia” để chào mời bà Hường cùng đầu tư với cô ta. Phương nói rằng dự án này đang “hot”, chỉ cần nộp tiền đặt cọc “giữ chỗ”, sau đó bán lại sẽ lãi 250 triệu đồng/căn.
Bà Hường bỏ tiền đầu tư, còn Phương góp sức, tìm và làm thủ tục sang tên cho khách hàng, lời lãi sẽ chia nhau. Để bà Hường tin tưởng giao tiền, Phương chỉ đạo 2 nhân viên kế toán và thủ quỹ lập phiếu thu giả mang danh nghĩa Văn phòng đại diện theo mẫu phiếu thu của Công ty CP đầu tư Mega do Phương ký tên và đóng dấu.
Từ ngày 28.3 đến 29.6.2012, bà Hường đã nộp vào Văn phòng đại diện Công ty CP đầu tư Mega tại Hà Nội tổng số tiền 21.635.343.000 đồng. Số tiền này không được Phương nộp về công ty mà cô ta giữ lại chi tiêu cá nhân. Khi đến hạn trong hợp đồng đã ký, Phương dùng chính tiền mà bà Hường đã nộp vào để trả gốc và lãi để bà Hường tin rằng việc đầu tư có lãi thật. Chính vì vậy, bà Hường tiếp tục nộp thêm tiền đầu tư mà không hay biết đang bị Phương cho vào bẫy.
Quá trình điều tra vụ án, ngày 6.3.2015, Cơ quan điều tra tiếp tục nhận được đơn của ông Vương Xuân Cường và Nguyễn Tuấn Anh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) tố cáo Phạm Thị Mai Phương có hành vi lừa đảo chiếm đoạt trên 3,8 tỷ đồng thông qua việc góp vốn mua mảnh đất tại khu đô thị sinh thái biển Phương Trang - Vịnh Đà Nẵng.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác định khoảng tháng 5.2011, Phạm Thị Mai Phương - Giám đốc Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang Hà Nội là người giới thiệu và thực hiện thủ tục giao dịch mua bán 4 thửa đất tại khu đô thị sinh thái biển Phương Trang cho 2 ông Cường và Tuấn Anh. Tuy nhiên sau khi nộp tổng số tiền 3.813.000.000 đồng và ký hợp đồng góp vốn, hai ông không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đến tháng 2.2012, ông Cường liên hệ trực tiếp với công ty Phương Trang thì được biết 4 hợp đồng góp vốn mang tên vợ chồng ông Cường và vợ chồng ông Tuấn Anh đã được thanh lý và giải ngân cho ông Phạm Bá Mai (trú tại H8 Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) số tiền 3.073.333.125 đồng. Trong biên bản thanh lý hợp đồng góp vốn có giấy ủy quyền của những người đứng tên hợp đồng cho Phạm Bá Mai.
Xác nhận chữ ký trong giấy ủy quyền là chữ ký thật nhưng ông Cường và Tuấn Anh khẳng định không quen biết gì ông Phạm Bá Mai. Theo trình bày của hai ông thì trước đó, trong quá trình giao dịch, ký hợp đồng góp vốn, Phạm Thị Mai Phương có yêu cầu mọi người ký tên vào một tờ giấy trắng khổ A4 không có nội dung gì.
Khả năng tờ giấy có chữ ký này sau đó đã bị lập giả thành nội dung giấy ủy quyền. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Mai Phương khai không lập giả nội dung giấy ủy quyền này.
Xác minh tại Công an phường Tân Mai, quận Hoàng Mai xác định có Phạm Bá Mai đăng ký hộ khẩu tại H8 Tân Mai, quận Hoàng Mai nhưng từ tháng 10.2013, Phạm Bá Mai đã không sinh sống tại địa phương. Hiện Phạm Bá Mai ở đâu, làm gì, Công an phường không có thông tin.
|
Đơn tố cáo Phạm Thị Mai Phương lừa đảo. |
Do chưa có đủ căn cứ xác định Phạm Thị Mai Phương làm giả giấy ủy quyền để chiếm đoạt tiền của các ông Vương Xuân Cường, Nguyễn Tuấn Anh nên cơ quan điều tra đã ra quyết định tách tài liệu liên quan đến đơn tố cáo của hai ông, sau khi tìm được đối tượng Phạm Bá Mai sẽ tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị truy tố Phạm Thị Mai Phương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 139 Bộ luật hình sự. Được biết Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cũng vừa hoàn tất cáo trạng để truy tố bị can Phạm Thị Mai Phương trước pháp luật.
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, cơ quan công tố buộc Phương phải bồi thường trả cho bà Nguyễn Xuân Hường số tiền 21.365.343.000 đồng; trả cho ông Triệu Quốc Cường 3,5 tỷ đồng; trả cho bà Hàn Thị Thanh Mai 1,535 tỷ đồng.