Ngày 9-2, Tòa án nhân dân TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã bác yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ P.5, TP Bến Tre) đối với chủ tiệm bánh mì Kim Tuyến do không chứng minh được ông bị ngộ độc thực phẩm là do ăn bánh mì của tiệm này.
Ông Hoàng là một trong số 173 nạn nhân của vụ ngộ độc bánh mì vào tháng 5-2013, trong đó có 22 người khởi kiện ra tòa đòi bồi thường.
Mua bánh mì phải lấy hóa đơn
Theo lời kể của ông Hoàng, vào chiều 22-5-2013, trên đường đi làm về ông có mua hai ổ bánh mì của tiệm bánh mì Kim Tuyến (P.Phú Khương, TP Bến Tre) với giá 7.000 đồng/ổ để ăn thay bữa cơm chiều. Ăn xong, cả ông và vợ đều bị đau bụng, tiêu chảy. Ông ăn một ổ rưỡi và ngộ độc nặng hơn.
Sau ba ngày tự mua thuốc uống nhưng không giảm, ông được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tổng chi phí điều trị ở cả hai bệnh viện hơn 10 triệu đồng. Ông yêu cầu chủ tiệm bánh mì bồi hoàn số tiền này.
“Lúc mua bánh mì đâu có biết trước là sẽ bị ngộ độc để thu thập bằng chứng chứng minh mình có ăn bánh mì. Lúc vào bệnh viện cấp cứu thì lo giữ lại mạng sống chứ đâu biết phải yêu cầu xét nghiệm này nọ để có căn cứ mà đòi bồi thường”, ông Hoàng bức xúc.
|
Ông Hoàng là một trong số 173 nạn nhân của vụ ngộ độc bánh mì vào tháng 5-2013.
|
Tòa vừa tuyên án xong, ông Hoàng cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện tới cùng để đòi quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài ông Hoàng, 21 nạn nhân khác cũng đâm đơn kiện đòi chủ tiệm bánh mì Kim Tuyến bồi thường thiệt hại với tổng số tiền khoảng 40 triệu đồng.
Kết thúc phiên tòa, bà Trần Thị Sinh, ủy viên thường trực Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre (đơn vị hỗ trợ pháp lý cho 22 người nạn nhân), bức xúc: “Chủ tiệm bánh mì yêu cầu ông Hoàng phải có hóa đơn hay giấy tờ chứng minh có mua bánh mì của tiệm là trái với quy định. Hơn nữa tiệm bánh mì này chỉ bán bánh mì gói bên trong túi nilông, không hề có nhãn hiệu.
Ngoài ra còn yêu cầu phải có mẫu bệnh phẩm để chứng minh ông Hoàng bị nhiễm cùng loại vi khuẩn có trong bánh mì. Trong khi toàn bộ 173 trường hợp bị ngộ độc bánh mì cùng với ông Hoàng chỉ có hơn 10 người có mẫu bệnh phẩm. Nếu vụ ngộ độc nào cũng như vậy thì người tiêu dùng thua thiệt quá”.
Bác yêu cầu đòi bồi thường
Trong khi đó, về mặt chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Văn Ân, phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Về mặt khoa học, các vụ ngộ độc thực phẩm bệnh viện chỉ lấy mẫu bệnh phẩm một số ca nặng, không bắt buộc phải lấy hết các mẫu bệnh phẩm của các nạn nhân nhập viện. Hơn nữa vấn đề ngộ độc thực phẩm có rất nhiều nguyên nhân, có thể do vi khuẩn hoặc do các độc tố có trong vật liệu sản xuất thực phẩm. Ngay cả nếu do vi khuẩn gây hại thì cũng khó tìm được vi khuẩn trong bệnh phẩm vì chúng có thể chết nhưng để lại độc tố gây bệnh”.
Trước đó, theo báo cáo của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Bến Tre, từ ngày 22-5 đến 24-5, 173 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì thịt của tiệm Kim Tuyến. Đa số nạn nhân được điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Nguyên nhân vụ ngộ độc cũng được Sở Y tế xác định là do ăn bánh mì của tiệm này.
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bến Tre cũng xác định trong thịt heo, patê gan, chả lụa lấy từ tiệm Kim Tuyến ngày 24-5 đều nhiễm vi khuẩn E-coli và Coli-form.
Ngoài ra, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cũng lập danh sách 173 người bị ngộ độc, trong đó có ông Hoàng và 21 nạn nhân còn lại đang theo đuổi vụ kiện.
Kết thúc phiên xử, Tòa án nhân dân TP Bến Tre đã bác yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Văn Hoàng đối với chủ tiệm bánh mì này do không chứng minh được ông bị ngộ độc do ăn bánh mì của tiệm. Riêng 21 trường hợp của các nạn nhân khác sẽ được TAND TP Bến Tre lần lượt đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Cuối tháng 5-2013, tiệm bánh mì Kim Tuyến bị xử phạt 11 triệu đồng do vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay tiệm vẫn chưa hoạt động trở lại do chưa khắc phục được những vấn đề mà các ngành chức năng yêu cầu.