|
Trẻ mắc tay chân miệng biến chứng nặng phải nhập viện. Ảnh: TTXVN |
Dịch chưa đến “đỉnh”
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 15.000 ca mắc tay chân miệng, đã có 6 trường hợp tử vong. Dịch đang lan rộng và diễn biến phức tạp, tăng cả số ca nặng và số ca tử vong.
Tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc tay chân miệng tăng gần 150% trong tháng vừa qua, tại các cơ sở y tế đã tiếp nhận nhiều ca nặng. Dự báo đỉnh dịch tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh có thể vào giữa tháng 7, tức là số ca mắc vẫn còn đang tăng.
Tại Bình Dương, theo Sở Y tế, số ca mắc tay chân miệng cũng tăng nhanh trong tháng 6, đặc biệt gần đây tỉnh ghi nhận liên tiếp 2 ca tử vong. Tại Bình Dương cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của chủng virus EV71 gây bệnh nặng qua các mẫu bệnh phẩm về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm.
Đáng lo ngại, tỷ lệ ca bệnh mắc chủng virus EV71 đang tăng lên, tương ứng với số ca nặng cũng có thể tăng lên. Theo GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu trong tuần 14 của năm, chủng EV71 chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm thì tuần 23 tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40% trong các mẫu xét nghiệm. Đây cũng là lý do khiến các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Hiện bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16; công tác điều trị đang tập trung vàp các bệnh nhân mắc chủng EV71.
Theo các chuyên gia, thông thường khoảng tháng 8 - tháng 9, bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Tuy nhiên, năm nay, đến thời điểm này, bệnh đã tăng nhanh và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới.
Trước tình hình dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành địa phương chung tay phòng chống dịch, tay chân miệng. Các địa phương phải chủ động phòng chống bệnh; các cơ sở y tế phân luồng, phân loại bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến phù hợp.
Vừa qua, Bộ Y tế liên tục cử các đoàn công tác về các địa bàn “nóng” của dịch tay chân miệng để trực tiếp giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, điều trị; họp trực tuyến với các địa phương để nắm bắt tình hình dịch.
Bộ Y tế cũng đã thành lập 7 đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong đó, Đoàn kiểm tra giám sát kế hoạch hoạt động phòng chống dịch bệnh; công tác chuyên môn về dự phòng như: Giám sát, xử lý ổ dịch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, việc huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống bệnh tay chân miệng; công tác thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch…
Đảm bảo đủ thuốc, năng lực điều trị
Trước tình hình dịch tay chân miệng tại các địa phương, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, đã có lo ngại việc thiếu thuốc điều trị nếu các ca bệnh tăng nhanh.
Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành, hầu hết các thuốc cần cho nhu cầu điều trị tay chân miệng hiện đang được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, có 2 loại thuốc có thể gặp khó khăn trong cung ứng giai đoạn tiếp theo nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng, kéo dài; đó là thuốc Immunoglobulin và Phenobarbital dùng cho các trường hợp bệnh nhân mắc tay chân miệng ở mức độ nặng.
Theo đó, thuốc Immunoglobulin hiện có trên thị trường; nhưng nguồn cung hạn chế do tình hình khó khăn chung; trong khi đó, thuốc này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vì Việt Nam chưa sản xuất được. Hiện các đơn vị trúng thầu thuốc trên địa bàn Thành phố đang tiếp tục thúc đẩy các thủ tục liên quan, phối hợp nhà cung ứng để thực hiện cung ứng thuốc, đảm bảo điều trị cho người bệnh.
GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Hiện nay các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị. Riêng với thuốc Immunoglobulin dùng để điều trị các ca nặng (có khoảng 10% số ca bệnh cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin), vừa qua Việt Nam đã nhập khẩu được 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.
Cũng theo GS. Phan Trọng Lân, số lượng thuốc Immunoglobulin như vậy và với tình hình dịch như hiện nay, có thể phục vụ công tác điều trị khoảng trên 2 tháng cho những trường hợp cần sử dung thuốc này.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng vẫn đang có dấu hiệu tăng cao, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu đảm bảo cung ứng thuốc theo nhu cầu của các bệnh viện trong thời gian sắp tới.
Đối với các thuốc điều trị khác, trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung ứng thuốc bị hạn chế, Bộ Y tế cũng đã có sẵn phương án để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động lên phương án dự trữ, mua sắm và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp thiếu nguồn cung để đảm bảo công tác điều trị và phòng bệnh.
Bên cạnh đảm bảo thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, theo Bộ Y tế, vừa qua đã có một công ty sản xuất vaccine phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược xin cấp phép. Dự kiến từ nay đến cuối năm vaccine này sẽ được cấp phép để đưa vào sử dụng. Đây là tín hiệu mừng, nếu vaccine được cấp phép sẽ giúp Việt Nam có thêm “vũ khí” phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả trong thời gian tới.