Ngày 12/9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án Đưa hối lộ và Nhận hối lộ liên quan vụ nâng điểm thi THPT ở Hòa Bình.
Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung đối với bị can Đỗ Mạnh Tuấn, sinh năm 1979, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ Luật hình sự.
Đồng thời, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự đối với Hồ Chúc, sinh năm 1975, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Thanh Hà, tình Hòa Bình; nơi cư trú: xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, không có gì bất ngờ khi Cơ quan an ninh điều tra Bộ công an khởi tố thêm về “tội đưa hối lộ” và “tội nhận hối lộ” trong vụ án Gian lận thi cử ở Hòa Bình năm 2018.
“Có lẽ người dân ai cũng hiểu rằng không phải tự dưng mà một số học sinh con nhà quyền chức, giàu có, khá giả được các thầy cô, cán bộ giáo dục nâng điểm đủ để độ đại học. Cũng không phải tự dưng những cán bộ này tự sửa điểm cho học sinh một cách “vô tư” để rồi bản thân phải ngồi tù... Bởi vậy, ai cũng suy luận rằng chắc chắn là có sự tác động vật chất, tư lợi, thậm chí là mua điểm, chạy trường... vấn đề là cơ quan điều tra có chứng minh được việc này hay không, chứng minh được đến đâu, hành vi của các đối tượng có tinh vi đến mức qua mặt được cơ quan điều tra hay không?”, Luật sư Cường cho biết.
|
Bị can Đỗ Mạnh Tuấn ( ảnh phải) và Nguyễn Khắc Tuấn. |
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu không làm rõ được động cơ, mục đích của việc sửa điểm, nâng điểm, không làm rõ được trách nhiệm pháp lý của các phụ huynh, người thân của học sinh trong việc tác động để nâng điểm ở vụ việc này thì vụ việc chỉ là giải quyết nửa chừng, không đúng bản chất và bỏ lọt tội phạm.
“Trong vụ án gian lận thi cử ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang năm 2018 thì tất cả các đối tượng có chức vụ quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để sửa điểm, nâng điểm thì đều phải khởi tố, xử lý về tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 Bộ hình sự mới đúng pháp luật. Với tội nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hình phạt hết rất nghiêm khắc, mức hình phạt thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là tử hình”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Cụ thể, với số tiền nhận hối lộ từ 2.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc nhận hối lộ là lợi ích phi vật chất thì hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.
Nếu hành vi được xác định là có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước hoặc Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt thì hình phạt sẽ là từ 07 đến 15 năm tù.
Sẽ bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu hành vi nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
Nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định đối tượng đã bị khởi tố về tội nhận hối lộ trong vụ án tại Hòa Bình đã nhận hơn 500.000.000 đồng, ngoài ra không chứng minh được đối tượng này đã nhận tiền của những người khác, chỉ vi phạm một lần với một người, số tiền nêu trên thì hình phạt sẽ là từ 15 năm đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 3, Điều 354 Bộ luật hình sự.
Với những đối tượng khác mà không bị xử lý về tội nhận hối lộ thì có thể là do việc chứng minh chưa triệt để hoặc thủ đoạn của các đối tượng quá tinh vi, không thể tìm ra dấu vết. Nếu không xử lý về tội nhận hối lộ thì cũng cần làm rõ động cơ, mục đích của hành vi vi phạm pháp luật ở đây là gì...
“Tại sao không được hưởng lợi về vật chất hoặc về tinh thần mà các đối tượng lại cố ý thực hiện hành vi phạm tội, có phải là vì thành tích chung của nhà trường hay không. Nếu là vì thành tích chung thì tại sao lại không nâng điểm cho các học sinh con nhà nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số? Tại sao chỉ nhắm vào con nhà có chức vụ, quyền hạn, con nhà giàu có để nâng điểm?”, Luật sư Đặng Văn Cường đặt câu hỏi.
Đồng thời, Luật sư Cường cho rằng, trong số rất nhiều bị can thì có thể một vài bị can chứng cứ chưa rõ ràng, chưa đủ căn cứ để chứng minh thì có thể không đề cập xử lý về tội nhận hối lộ nhưng nếu số đông mà trốn tránh được trách nhiệm pháp lý về hành vi nhận hối lộ, che giấu được động cơ, mục đích trong việc sửa điểm, nâng điểm thì rất khó thuyết phục được dư luận trong vụ án này.
Bộ Luật hình sự năm 2015 đã mở rộng trường hợp, thêm căn cứ để xử lý về tội danh nhận hối lộ.
Theo đó, bất kể lợi ích (mà đối tượng thực hiện hành vi công vụ theo đơn đặt hàng) được hưởng là vật chất hay lợi ích phi vật chất, bất kể là nhận trực tiếp hay nhận qua khâu trung gian đều bị xử lý về tội danh này. Nếu không tìm ra động cơ mục đích của việc thực hiện hành vi vi phạm, không làm rõ, không xử lý được các đối tượng này về tội nhận hối lộ thì đó là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Đối với phụ huynh, những người có con cháu được nâng điểm cũng cần ra soát, xác minh, điều tra làm rõ để xử lý về hành vi đưa hối lộ. Nếu có căn cứ cho rằng bố mẹ của học sinh hoặc anh, chị, em, cô dì chú bác, họ hàng... đã tác động bằng vật chất hoặc tác động phi vật chất với người có chức vụ Quyền hạn để những người này thực hiện hành vi công vụ sai trái, sửa điểm, nâng điểm cho học sinh thì hành vi này là hành vi đưa hối lộ, hành vi này phải bị xử lý về tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật hình sự thì mới công bằng, đúng pháp luật.
Còn đối với những người không đưa, không nhận hối lộ nhưng làm trung gian, môi giới thì cũng sẽ bị xử lý về tội môi giới hối lộ theo điều 365 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục có trách nhiệm phải làm rõ tất cả những vấn đề này để xử lý nghiêm minh, công bằng đúng pháp luật, mang lại niềm tin cho người dân và cơ sở để thực hiện hoạt động phòng ngừa tội phạm.
Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử này, ngày 13/9, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình tiến hành kỷ luật 15 đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trước đó Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kim Bôi (Hoà Bình) cũng thi hành mức kỷ luật “khiển trách” đối với 4 đảng viên có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Cụ thể, 15 đảng viên này có khuyết điểm để con được can thiệp, sửa chữa, nâng điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, sau đó sử dụng kết quả thi không hợp pháp để được xét tuyển trái pháp luật vào học các trường đại học và học viện.
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình xác định, những đảng viên này đã vi phạm Khoản 8, Điều 3, Quy định 08 ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình đã thi hành mức kỷ luật “khiển trách” đối với 15 đảng viên này vì vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 30, Quy định số 102, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kim Bôi thi hành mức kỷ luật “khiển trách” đối với 4 đảng viên có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Như vậy, đến nay, tại Hòa Bình có 19 đảng viên bị kỷ luật vì có con được nâng điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018.