Khó bóc tách phí điều trị COVID-19 và phí điều trị bệnh nền

Google News

Rất khó để bóc tách chi phí điều trị COVID-19 do ngân sách Nhà nước chi trả và chi phí khám chữa bệnh lý nền khác do quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Phân biệt chi phí điều trị COVID-19 và bệnh lý nền
Ngày 31.10.2021, Bộ Y tế có Công văn số 9262/BHYT-BH về hợp đồng và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, trạm y tế lưu động.
Theo đó, chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và tại Trạm y tế lưu động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế.
Bên cạnh đó, chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh và theo hướng dẫn tại Công văn số 3100/BYT-BH; Công văn số 6373/BYT-BH và Công văn 9262/BHYT-BH.
Kho boc tach phi dieu tri COVID-19 va phi dieu tri benh nen
Khó bóc tách chi phí điều trị COVID-19 bằng bảo hiểm y tế. Ảnh: Trang Thiều
Chiếu theo Công văn số 3100/BYT-BH ngày 20.4.2021 của Bộ Y tế quy định, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế đang trong thời gian cách ly y tế tập trung do COVID-19 phải khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là do ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do COVID-19, bao gồm: Tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như đối với trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến, trừ chi phí khám bệnh, chữa bệnh do COVID-19.
Theo đó, người có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, các quy định hiện hành đang bóc tách chi phí điều trị COVID-19 do ngân sách Nhà nước chi trả và chi phí khám chữa bệnh nền khác do quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Khó thực hiện
Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - cho biết, trên thực tế rất khó bóc tách phí điều trị COVID-19 và phí điều trị bệnh nền. Vì vậy, trong quá trình phòng chống dịch bệnh, một ca xét nghiệm dương tính và mắc các bệnh lý khác đều quy chi phí về COVID-19.
Bác sĩ Phúc cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc với tính chất của bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Theo đó, người mắc COVID-19 sẽ phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo quy định. Đồng thời, được ngân sách Nhà nước thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.
Nếu "hạ cấp" COVID-19 xuống bệnh truyền nhiễm nhóm B thì người bệnh không được ngân sách Nhà nước thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh COVID-19 sẽ do bảo hiểm y tế hoặc người bệnh tự chi trả.
Cần phải có quy định bằng văn bản cụ thể
Cũng theo bác sĩ Trần Văn Phúc, lĩnh vực y tế có các danh mục về bệnh tật và kỹ thuật trong khám chữa bệnh. Theo đó, phải có văn bản cụ thể là các Thông tư quy định từng danh mục bệnh tật, kèm theo giá viện phí, kỹ thuật triển khai thực hiện. Lúc bấy giờ mới có hành lang pháp lý để thu chi theo nguyên tắc thu đúng, thu đủ theo khấu phần giá.
"Khấu phần giá sẽ được xây dựng trên liên bộ Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính. 3 bộ sẽ xây dựng giá của các danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh cũng như phác đồ chẩn đoán và điều trị của bất kỳ căn bệnh nào. Và COVID-19 cũng không nằm ngoài quy định đó" - bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho hay.
Ngoài ra, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cũng cần xây dựng các danh mục về mặt kỹ thuật trong khám chữa bệnh, xây dựng giá, chi phí điều trị... bệnh COVID-19.
"Ví dụ, test nhanh COVID-19 giá bao nhiêu? Test PCR giá bao nhiêu? Chụp CT phổi, chụp X-quang tim phổi giá bao nhiêu? Tất cả đều phải có danh mục và các quy định bằng văn bản cụ thể" - bác sĩ Phúc nói.
Theo Thiều Trang / Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)