"Bị cáo thực hiện chuỗi hành vi thể hiện bản tính tham lam, muốn hưởng lợi bất chính từ công sức lao động của người khác, phạm tội nhiều lần, cần phải xử thật nghiêm để giáo dục, răn đe bị cáo, đồng thời để phòng ngừa chung".
Nghe nhận định của vị đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Thị Nhung (quê Đắk Lắk) cúi đầu ân hận. Có lẽ Nhung không ngờ hậu quả sự “yếu lòng” của bản thân khi đêm ngày “rút ruột” tiền bạc của ông chủ lại phải trả giá đắt đến như vậy.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng đất Tây Nguyên, lại không được học hành đến nơi đến chốn, Nguyễn Thị Nhung đành chọn con đường “khởi nghiệp” bằng nghề giúp việc nhà. Nhung khăn gói xuống TP HCM và xin được chân giúp việc chăm sóc nhà cửa cho ông Nguyễn Văn Hoạt (ngụ quận 11).
Quá trình làm việc, Nhung phát hiện ông Hoạt hay để tiền bạc số lượng lớn trong quần áo. Ban đầu, Nhung không dám “táy máy” nhưng sau nhiều lần dọn dẹp, nữ giúp việc nổi lòng tham và suy nghĩ nếu trộm mỗi lần một ít thì chắc ông Hoạt sẽ không phát hiện ra. Từ đó, mỗi lần dọn dẹp quần áo trong phòng ngủ ông chủ, Nhung âm thầm “rút ruột” tiền. Đúng như Nhung dự đoán, do mỗi lần chỉ “rút ruột” một đến hai triệu đồng nên ông Hoạt không phát hiện được hành vi trộm cắp của Nhung.
Lòng tham không đáy khiến Nhung càng trở nên liều lĩnh, ngày 26/8, Nhung dọn quần ông Hoạt thấy số tiền 13,7 triệu đồng liền ra tay chiếm đoạt. Khoản tiền lớn bị mất khiến ông Hoạt xem lại camera an ninh và nhanh chóng nhận ra thủ phạm không ai xa lạ mà chính là cô ô sin mà ông tin tưởng. Khi bị Công an bắt tạm giam, Nhung mới hối hận nhưng tất cả đều đã muộn.
Có hoàn cảnh tương tự như Nhung, bị cáo Phạm Thị Kim Chi (quê Bến Tre) cũng là ô sin giúp việc nhà cho chị Phạm Thị Hương tại phường 9, thành phố Đà Lạt. Trong quá trình ở tại nhà chị Hương, Chi phát hiện kho để hàng trong nhà bà chủ không khóa cửa. Do Chi đang thiếu thốn, bị nợ nần nên sau nhiều lần “đấu tranh tư tưởng”, Chi đã không thắng nổi bản thân, quyết lên kế hoạch trộm cắp tài sản để bán lấy tiền tiêu xài.
Ngày 22/12/2016, Chi xin chị Hương cho về quê thăm gia đình ở tỉnh Bến Tre. Trước khi lên đường, Chi lẻn vào kho, “chôm” 4 sản phẩm áo len của chị Hương đem đi tiêu thụ. Hai ngày sau, Chi tiếp tục trở về nhà chị Hương làm việc như không có gì xảy ra.
Ăn trộm quen tay, Chi tiếp tục thực hiện hành vi trộm len đem bán nhiều lần. Thủ đoạn phạm tội của Chi ngày càng táo bạo khi bị cáo “khoắng” một lần 95 sản phẩm áo len các loại của bà chủ, đem bán để thu lợi bất chính. Chị Nhung phát hiện nhiều sản phẩm không cánh mà bay nên tìm hiểu và phát hiện thủ phạm không ai khác là “cô giúp việc chăm chỉ”.
|
Một vụ ôsin trộm cắp tài sản bị phát hiện qua camera an ninh. |
Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thị Nhung khai nhận hành vi trộm cắp tài sản. Số tiền mà Nhung “tích cóp” được sau nhiều năm trộm cắp lên đến 370 triệu đồng. Điều khá hài hước là Nhung rất “tiết kiệm”, đem số tiền phạm tội mà có đi gửi ngân hàng để hưởng thêm lãi suất. Phần còn lại, Nhung gửi về cho chồng xây nhà, mua xe mô tô và chăm chút cho bản thân bằng vài món nữ trang.
Đối với Phạm Thị Kim Chi, sau khi hành vi phạm tội bại lộ, bị cáo đã khắc phục hậu quả, bồi thường cho chị Hương 12 triệu đồng. Do đó, chị Hương không yêu cầu bị cáo phải bồi thường gì thêm và có đơn bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tại Tòa, Chi thừa nhận cáo trạng quy kết hành vi bị cáo phạm tội nêu là đúng, Chi không thắc mắc hay khiếu nại gì. Vị đại diện VKS đã đề nghị xử phạt bị cáo Chi từ 9 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Việc các bị cáo lợi dụng người bị hại để tài sản sơ hở, lén lút chiếm đoạt, hưởng lợi bất chính, sử dụng cho nhu cầu cá nhân là hành vi trái pháp luật, xâm phạm trái pháp luật đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Hành vi của các bị cáo là hành vi trái pháp luật, gây mất trật tự trị an ở địa phương, cần xử nghiêm. Từ đó, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Thị Nhung 7 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Đối với Phạm Thị Kim Chi, TAND TP Đà Lạt nhận định bị cáo đã thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, quá trình điều tra đã bồi thường và trả lại đầy đủ tài sản cho người bị hại, được người bị hại bãi nại và xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo có việc làm ổn định và có nơi cư trú rõ ràng nên chưa cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội nên HĐXX tuyên phạt 9 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Hai vụ án trên là bài học cho những ai đang cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình, không nên dại dột, nhất thời tham lam để rồi phải ân hận trong nhà giam. Ngoài ra qua vụ án, mọi người cần nâng cao cảnh giác khi thuê người giúp việc, ngăn chặn kịp thời những thủ đoạn, hành vi trộm cắp để bảo vệ hữu hiệu tài sản gia đình.
* (Tên người bị hại đã được thay đổi).