Giả âm binh để vòi lễ
Có người hỏi cụ thống Th ở Phượng Độ (Hà Tây cũ): Cụ còn có phép làm cho tờ giấy trắng hiện lên chữ son để phán lễ. Vậy cách “làm phép” thế nào?
Cụ Th cười khà khà nói: Cái đó có nhưng dễ thôi ạ. Khi đến cúng cho gia chủ, nếu họ tin thì mình bảo sửa lễ; nếu chưa tin thì tôi đã có cách làm cho họ phải tin.
Tôi đem theo một tờ giấy từ nhà đi. Giấy viết chữ phán lễ gà, chân giò, xôi, chuối, oản, hoa quả… viết sẵn bằng nước hạt cau tươi thật đặc, khi khô không để lại giấu vết gì. Lúc cúng, tôi đặt tờ giấy lên mâm đồng, khấn vái rồi ngậm một ngụm nước phép trong mồm có nhai sẵn miếng trầu không, có cả vôi phun ướt tờ giấy. Chỗ nào có nét viết nước hạt cau, gặp nước trầu không một lúc sẽ nổi lên thành chữ đỏ. Gia chủ vừa phục vừa sợ “vãi linh hồn” rồi cứ theo đó mà sửa lễ.
Ông Thống Q (Trung Nghĩa – Hà Tây cũ) thì hay cho chữ hiện màu đen. Công thức của ông là: “Muốn làm cho nó hiện lên chữ đen cũng chẳng khó gì. Cách thức vẫn làm như thế, nhưng chỉ khác là mình ngậm nước phèn đen phun vào, chữ đen sẽ nổi lên". Ông nói thêm: "Có thay trắng đổi đen như thế thì mới xơi được của lễ chứ ạ".
Tinh vi hơn những cách trên thì cụ Thống V (ở Quốc Oai) có “mánh” làm cho chuông trên bàn thờ tự kêu thành tiếng và bảo rằng đấy là âm binh hiển linh gõ chuông báo hiệu. Cụ “giải mật” thủ thuật của mình như sau:
"Phàm đã là điện thờ thường có thượng ban và hạ ban. Ở hạ ban, chỗ bát nhanh thờ “tam danh” tôi cắm hai nén hương đứng ngang hàng nhau, rồi lấy sợi chỉ vòng hai lượt như người néo cưa vậy. Đầu dùi chuông buộc một sợi chỉ nối vào nén hương. Chú ý nén hương này và nén hương trên thượng ban đã đánh dấu vôi làm cữ.
Khi làm lễ, sau những điệu bộ, lời hô diễu võ dương oai, lúc trông thấy hương trên thượng ban đã cháy gần đến vạch vôi, thày mời gia chủ vào ngồi bên cạnh. Dứt hồi trống, thầy kêu: “Tấu lạy các quan âm binh nhà thánh, tín chủ lễ bạc, tâm thành đến tạ cửa thánh, nếu các quan người đã chấp lễ thì xin cho một tiếng chuông”.
Ví như hương chưa cháy đến sợi chỉ buộc néo dùi chuông, thày lại khấn tiếp: “Tấu lạy các quan, nếu tín chủ lòng chưa thành, lễ chưa đạt cũng xin các quan thỉnh cho một tiếng chuông để tín chủ biết đường lo liệu”.
Thầy khấn vừa dứt lời thì nén hương cũng vừa cháy đứt sợi chỉ buộc vào néo văng trả lại, dùi chuông bật mạnh vào quả chuông boong một cái. Thế là nhà chủ dù túng đến đâu cũng phải cố chạy cho đủ lễ. Mọi thứ: lụa là vải vóc, tiền gà, gạo cũng nhờ tiếng chuông ấy mà ra cả đấy…"
Thuật làm quả trứng gà tự lăn trên mâm
Thày phù thủy Ph ở Mai Dịch vì gia cảnh túng thiếu phải lang bạt kỳ hồ từ bé, nay chùa này, mai đền khác. Lăn lộn giang hồ từ nhỏ nên ông Ph từng cộng tác với nhiều thày phù thủy. Bởi vậy mà ông học lỏm được không ít mánh khóe của họ để rồi cũng đứng ra xưng thày hành nghề như ai.
Nói đến ông thì có hai món “tài nghệ” nhất là gọi âm binh và bắt trùng. Nhiều lần ông gọi âm binh lên làm quả trứng gà tự nhiên xoay tròn lông lốc trên mâm lễ. Nhiều lần khác thì ông bắt con trùng chui qua quả đu đủ rồi ông chém đứt đôi quả đu đủ để giết con trùng trừ hại cho gia chủ.
Kỳ lạ là sau nhát chém của thày, máu từ trong quả đu đủ chảy ra lênh láng mới sợ. Thực ra mọi thứ đều có sắp đặt cả. Theo lời ông kể thì quả đu đủ này đã được chọc thủng, đổ tiết gà vào từ trước.
Còn việc làm cho quả trứng quay lông lốc trên mâm lễ thì “công thức” nó thế này: Vào đám lễ, ông Ph cũng cho lập đàn tràng, mũ mãng, trống, thanh la inh ỏi và sai tín chủ lấy ra quả trứng gà. Sau đấy múa may quay cuồng, phù phép một lúc đặt trứng lên mâm, trên đậy miếng vải đỏ. Ông bắt quyết rồi mở vải ra, lập tức trứng quay lông lốc.
Kỳ tình, lúc nhà chủ mang trứng ra thày đã đánh tráo quả trứng rỗng thày mang sẵn, trong đó nhét mấy con châu chấu, dế mèn rồi lấy giấy trắng bịt lỗ đi, để hở một chút cho có không khí. Khi mở vải ra, thấy ánh sáng, tự khắc châu chấu, dế mèn nhảy lung tung. Vì vậy mà quả trứng cử động được. Thày Ph cười “thánh cơ mà, vía ai dám đến sờ mó, xem xét”.
Ông Ph cũng kể thêm về một mánh của người bạn ông: “Tôi biết một ông thày, khi nhà nào có người ốm mời đến chữa, thày đã thủ sẵn một đạo bùa, trong có nhét mấy cái kim. Thày mang vào giường bệnh bắt quyết, dí vào đùi làm bệnh nhân đau giật lên”. Thầy nói “đó là âm binh lên cắn con tà”.
Độc chiêu PR của các thày
Xã hội đã có biết bao nhiêu người tự xưng là “thày”. Ai cũng mở phủ mở điện nhưng cũng có người khách nườm nượp có người lại vắng vẻ. Ấy là vì người nào biết cách đánh bóng tên tuổi mình thì thành công. Chiêu đánh bóng tên tuổi của các “thày” cũng rất đặc biệt.
Chúng ta hãy nghe Ông Thống Th ở Phượng Độ bộc bạch: “Chắc các vị đã nghe nhiều người đồn về tôi. Có người nói: một hôm tôi đi chợ gặp 1 phụ nữ, tôi liền cho đốt ngón tay vào miệng cắn rồi lầm nhẩm đọc thần chú. Khi lấy ngón tay ra khỏi miệng, chỉ vào người kia nói: máu thì tự nhiên cứ nghe thấy ở trong người có tiếng ếch kêu ồm ộp.
Lại có người đồn rằng: Khi tôi đi qua cánh đồng thấy một chị đang làm cỏ lúa, liền bứt 2 lá đa, đọc mấy câu thần chú rồi thả lá đa xuống ruộng. Hai lá đa trở thành đôi cá chép rất to, cá bơi quẩn vào chân chị. Chi ta mải đuổi cá từ sáng đến trưa vẫn không bắt dược mà lại dẫm nát hết cả lúa. Khi về, chị ta đem chuyện bắt cá nói cho mẹ nghe. Bà mẹ bảo: thôi lại bị cụ Thống Th trêu rồi và bảo con đến xin tôi tha cho. Quả nhiên, hôm sau ra ruộng xem thì lạ thay lúa lại vẫn xanh tốt như xưa.
Sự thật tôi vốn dĩ bị què từ nhỏ, nên nghĩ cách đi học nghề phù thủy để kiếm ăn. Tôi thành nghề từ khi còn là một thanh niên, đến nay đã 64 tuổi nhưng đã bao giờ thấy cái mặt cái mũi ma quỷ thằng Phạm Nhan thế nào đâu!
Chẳng qua mình tung tin ra, rồi một đồn mười, mười đồn trăm “để hư truyền hư” đó thôi! Chính tai tôi đã nghe lại những lời đồn và nghĩ bụng: họ càng đồn càng thêm mắm, thêm muối càng có lợi cho mình.
Ấy rồi nhiều khi chuyện không đâu mà nhiều người cứ sợ bóng sợ vía. Một hôm trời mưa, tôi đi không được, giữa đường gặp một chị hàng xén đi chợ thấy thế cười. Tôi liền giả vờ bước sát lại phía sau miệng lẩm bẩm đọc mấy câu thần chú cho chị ta nghe thấy. Phiên chợ ấy mưa to, tất nhiên khách vắng. Nhưng chị ta cứ tưởng tôi có phép âm binh thật, đã niệm thần chú làm cho chị ta ế hàng. Thế rồi trăm đồn nghìn, nghìn đồn vạn, tiếng tăm của tôi cứ thế mà lan rộng thêm ra”.