Mới đây, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội (sau đó giữ chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội), trú tại phố Nhân Hoà, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Trước đó, đầu tháng 2/2021, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội. Cùng bị đình chỉ còn có Thượng tá Phạm Quý Hải, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ và Trung tá Nguyễn Đức Châu, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Tây Hồ.
Cơ quan chức năng xác định sai phạm của ông Phùng Anh Lê, ông Phạm Quý Hải và ông Nguyễn Đức Châu liên quan đến việc không xử lý tội phạm.
|
Hình ảnh khám nhà ông Phùng Anh Lê. |
Dư luận đặt câu hỏi, sau việc khám xét nơi ở, diễn biến tiếp theo đối Đại tá Phùng Anh Lê là gì?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khám xét nơi ở của Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội khiến nhiều người chú ý, bởi lẽ ông Lê từng là Trưởng công an quận Tây Hồ, là người thực thi pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 20 ngày khi nhận được đơn tố giác, yêu cầu đơn thư, cơ quan điều tra có trách nhiệm xác minh thông tin, yêu cầu. Khi hết thời hạn nêu trên (hoặc hết thời hạn gia hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm), cơ quan điều tra nếu xác minh có dấu hiệu phạm tội, xác định được người thực hiện hành vi sẽ tiến hành các bước như khởi tố vụ án hình sự về tội danh cụ thể, khởi tố bị can về hành vi phạm tội cụ thể.
Do đó, việc có khởi tố bị can là ông Phùng Anh Lê hay không, phụ thuộc vào kết quả từ phía Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao. Theo quy định, sẽ phải khởi tố vụ án hình sự trước khi khởi tố bị can.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, theo thông tin từ phía công an cung cấp, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đang xác minh về hành vi "không khởi tố người có tội" và các hành vi liên quan khác. Trường hợp xác định được ông Lê thực hiện hành vi trên, có thể bị xử lý về Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc.
Điều 375, Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc nêu rõ: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
“Trường hợp xác minh được những hành vi vi phạm khác có liên quan, ông Lê có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội như tội Nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...”, luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết hành vi vi phạm của đại tá Phùng Anh Lê xảy ra từ năm 2016, khi đó ông này là Trưởng Công an quận Tây Hồ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ.
Theo ông Trung, liên quan đến việc giải quyết, xử lý một số đối tượng, nếu căn cứ vào việc giải quyết đó, có dấu hiệu ban đầu của tội "Không khởi tố người có tội", và nhóm tội danh này, đặc biệt liên quan đến cán bộ, chiến sĩ Công an thì thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Do vậy, động cơ, mục đích thế nào, có phải chạy án hay không thì phụ thuộc vào kết luận điều tra của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
Công an quận Tây Hồ dưới thời ông Phùng Anh Lê làm trưởng quận đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm về tố tố tụng.
Cụ thể, vào năm 2016, Nguyễn Hữu Tài, trú ở quận Ba Đình, TP Hà Nội là đối tượng hoạt động tín dụng đen có cho anh N.C.T vay 10 triệu đồng. Sau khi trả lãi và một phần gốc, anh T. vẫn nợ Tài 4 triệu đồng. Tài đã nhiều lần đòi nhưng anh T chưa trả. Chính vì vậy, chiều 21/9/2016, nhóm của Tài phát hiện anh T. ở khu vực Yên Phụ nên vây lại để ép anh T trả nợ. Anh T vùng chạy liền bị nhóm của Tài đuổi đánh, rồi khống chế lên xe máy đưa đến địa điểm khác. Quá trình di chuyển, nhóm của Tài “tịch thu” điện thoại của anh T. để tránh gọi người giải cứu.
Đi được một đoạn thì xe máy hết xăng, lợi dụng việc này, anh T. đã bỏ chạy vào trụ sở Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kêu cứu. Thấy vậy, nhóm của Tài không dám xông vào mà ném trả điện thoại rồi bỏ về.
Ngày 22/9/2016, Tài bị Công an quận Tây Hồ triệu tập. Tại Cơ quan Công an, Tài đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội bắt giữ anh T. Công an quận Tây Hồ đã tạm giữ Tài điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Sau đó, trong quá trình đánh giá chứng cứ giữ Tài yếu, không có căn cứ để xử lý đối với Nguyễn Hữu Tài, Đại tá Phùng Anh Lê cho rằng, chưa đủ căn cứ để tạm giữ hình sự nên Tài được tha về.
Những ngày sau đó, Công an quận Tây Hồ đã mời Tài và anh T đến trụ sở để hòa giải. Tài đã bồi thường cho anh T 15 triệu đồng và thay lại màn hình điện thoại cho anh T, do bị nhóm của Tài ném vỡ. Đến đầu năm 2021, Tài cùng các đối tượng trong vụ án đã đến Công an TP.Hà Nội xin đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi đã gây ra đối với anh T. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội xác định việc Công an quận Tây Hồ không xử lý hành vi cướp tài sản của Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm là có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, nên đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao để làm rõ. Đáng chú ý, tại tòa, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài khai trong năm 2016 đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ "chạy án" cho chồng.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra ở TP Bắc Ninh, trong quá trình lấy lời khai, đối tượng Lê Thanh Hưng đã khai nhận việc giết bác ruột của mình để cướp tài sản vì cần tiền “chạy” để được chấp hành án tại Công an quận Tây Hồ. Cụ thể, tháng 11/2019, Hưng bị TAND quận Tây Hồ xử phạt 30 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Theo lời khai của Hưng thì để được mức án như trên, Hưng đã đưa khoảng 600 triệu đồng cho một số cán bộ Công an quận Tây Hồ và Thẩm phán thụ lý, giải quyết vụ án. Sau đó, vì muốn được thi hành án tại nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ nên Hưng đã lập mưu giết bác ruột của mình là Nguyễn Thị N để cướp tài sản. Toàn bộ hồ sơ liên quan đến lời khai của Hưng đã được Công an tỉnh Bắc Ninh chuyển cho Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ.
>>> Mời độc giả xem video Cơ quan chức năng khám xét nhà riêng ông Phùng Anh Lê: