Vụ việc ông chủ Khaisilk – một thương hiệu lớn thừa nhận lấy hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt để bán cho người Việt và khách quốc tế thực sự gây một cú sốc lớn cho người tiêu dùng. Hàng chục năm qua, lợi dụng lòng tin, sự ủng hộ của khách hàng, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk đã thu lời bất chính theo cách làm của những “gian thương”.
Ông chủ của tập đoàn Khaisilk là người từng rất nhiều lần rao giảng đạo đức kinh doanh cho biết bao nhiêu người có ước mơ, hoài bão làm giàu. Vậy đạo đức kinh doanh đó là gì?
|
Hàng "đội lốt" Made in Vietnam được bán tại cửa hàng của Khaisilk khiến nhiều người tiêu dùng thất vọng. |
Thiệt hại của mỗi khách hàng của Khaisilk có thể là không giống nhau, người nhiều người ít, hoặc không đáng để họ khởi kiện, nhưng với khối lượng đông đảo khách hàng dành tình cảm mến yêu, tiêu dùng sản phẩm của Khaisilk lâu nay thì không thể đong đếm được. Bởi nhờ vào lượng khách hàng này, nhờ vào niềm tin của họ mới có được uy tín của Khaisilk hôm nay.
Từ lâu cũng đã có thông tin không ít lụa của Khaisilk là hàng “Tàu”, nhưng những người yêu mến, ủng hộ thương hiệu này vẫn tin yêu Khaisilk vì họ cho rằng đó chỉ là tin đồn ác ý, là những trò cạnh tranh “bẩn” mà các đối thủ thường sử dụng để hại nhau trên thương trường.
Và nữa, tưởng rằng chỉ có kiểu làm ăn nhỏ lẻ mới chộp giật, mới mang hàng “cắt mác” về để bán cho người Việt trong nước. Còn các thương hiệu nổi tiếng đã được định vị trên thị trường thì chữ Tín phải quý hơn Vàng. Vả lại, với truyền thống “Ăn cây nào, rào cây đó” – ông chủ Khaisilk phải biết ơn người Việt và có những tri ân cụ thể bằng việc bán hàng đúng chất lượng, đúng giá cho người tiêu dùng.
Nhưng tiếc rằng, khaisilk lại “bù đắp” cho những người đã bỏ tiền để ủng hộ mình như vậy! Rõ ràng, doanh nhân này đã đánh cắp niềm tin của khách hàng, làm cho nhiều người yêu mến hàng Việt bị tổn thương.
Bao lâu nay, thói làm ăn trí trá của không ít người Việt dường như đã trở thành thói quen xấu khó bỏ. Nhiều mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh tưởng như "đứng đắn" nhưng khi cơ quan chức năng vào kiểm tra thì y rằng có chuyện làm ăn dối trá, bán hàng kém chất lượng hoặc trà trộn hàng nhái, hàng giả để bán cùng với hàng có xuất xứ, nguồn gốc để kiếm lời.
Không ít các chuyên gia kinh tế vẫn phê phán các doanh nghiệp đã bỏ quên thị trường trong nước mà say sưa với xuất khẩu. Khi thị trường xuất khẩu vấp phải khó khăn, nhiều DN mới quay trở về tìm hướng đi, tìm chỗ đứng ở sân nhà. Cuộc vật lộn tìm lại chỗ đứng ở chính nhà mình nhận được sự hỗ trợ không nhỏ của các cơ quan quản lý trong nước trong việc kêu gọi “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhiều người Việt Nam sẵn sàng từ bỏ thói quen tiêu dùng hàng ngoại để ủng hộ doanh nghiệp Việt. Và cũng không ít người đã tự hào mua các sản phẩm gắn mác “Làm tại Việt Nam” để tặng các đối tác trong nước và quốc tế của mình, coi đó như một niềm tự hào quốc gia.
Hành động của Tập đoàn Khaisilk đã ảnh hưởng đến những người làm ăn có uy tín, coi trọng khách hàng trong nước. Tuy nhiên, “hàng đội lốt” không phải chỉ có ở Khaisilk, bởi vậy rất cần cơ quan quản lý phải có chỉ đạo rà soát toàn quốc với nhiều loại hàng hóa khác nữa để niềm tin của người Việt không bị tổn thương vì chính hàng hóa thương hiệu Việt bị làm giả, làm nhái.
Nhà nước và xã hội luôn luôn trân trọng, ủng hộ và khuyến khích những doanh nhân làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật, đóng góp vào sự phát triển. Doanh nghiệp nào không biết giữ chữ tín, làm giàu bằng thủ đoạn gian dối thì không chỉ bị xử lý bằng pháp luật, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ còn bị công chúng tẩy chay; và họ chỉ có thể được gọi là con buôn hay gian thương mà thôi .