Đại tá Vũ Xuân Lộc cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo của anh Trần Văn Sáu (con trai cụ Trần Văn Thêm) về việc nhà nước đã bồi thường cho bố anh số tiền 6,7 tỷ đồng nhưng cụ chỉ mang về 2,1 tỷ đồng, số còn lại là 5,6 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt.
Quá trình điều tra, Công an huyện đã mời cụ Trần Văn Thêm và các con (gồm anh Trần Văn Sáu, Trần Văn Nọc, chị Trần Thị Xuân...); hai người nhận tiền của cụ Thêm là ông Nguyễn Văn Hoà (Phó Giám đốc Công ty Luật Hoà Lợi) và anh Trần Văn Được (cháu họ cụ Thêm) đến làm việc.
|
Cụ Trần Văn Thêm và con gái là chị Trần Thị Xuân trao đổi với phóng viên Báo CAND |
Tại cơ quan Công an, ông Trần Văn Hoà cho biết mình đã lấy 2,7 tỷ đồng (40%) số tiền được bồi thường theo thoả thuận trước đó với cụ, ngoài ra còn cầm 1 sổ tiết kiệm 500 triệu do cụ gửi. Anh Trần Văn Được cầm khoảng 1,4 tỷ đồng.
Về phía cụ Thêm và gia đình, cụ Thêm cho biết cụ đồng ý cho ông Hoà 40% số tiền cụ được bồi thường và đồng ý cho tiền anh Được 20% số tiền cụ được bồi thường.
Trước khi có kết luận không khởi tố vụ án, Công an và Viện KSND huyện đã làm việc lần cuối với cụ Thêm và gia đình, cụ Thêm vẫn khẳng định quan điểm là đồng ý cho ông Hoà 40%; anh Được 20% giá trị số tiền cụ được bồi thường, không có khiếu kiện gì. Trong số các con cụ thì anh Trần Văn Sáu không đồng ý việc cho ông Hoà 40% số tiền bồi thường và anh Được gần 1,4 tỷ đồng; những người còn lại không có ý kiến gì.
Như vậy, tính tổng số tiền anh Được, ông Hoà cầm và số tiền ông Thêm mang về nhà phù hợp với số tiền ông được đền bù.
Chính vì cụ Trần Văn Thêm tự nguyện trả cho ông Hoà, anh Được số tiền 60% giá trị bồi thường nên hai người này không có hành vi chiếm đoạt tiền của cụ Thêm; cơ quan điều tra không đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự.
Trước đó, gia đình ông Trần Văn Thêm bất ngờ khi biết bố mình đã nhận đủ 6,7 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai nhưng chỉ mang về 2,1 tỷ đồng. Khi báo chí đăng thông tin trên, ông Nguyễn Văn Hoà khẳng định đã trả đủ ông Thêm số tiền 6,7 tỷ đồng. Sau đó, anh Trần Văn Sáu, con ông Thêm đã làm đơn gửi tới công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh đề nghị làm rõ số tiền còn lại (4,6 tỷ đồng) đã đi đâu.
Đêm 23-7-1970, ông Trần Văn Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn cùng nhau đi bán thuốc lào và mua quả trám đen. Khi về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên cả hai vào chòi ven đường để ngủ. Khoảng 1h sáng, một tên cướp đập một nhát vào đầu ông Văn và ông Thêm để chiếm đoạt tài sản. Anh em ông Thêm chống trả quyết liệt, nên tên cướp đã lao xuống sông mất dạng. Dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thì thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Cả hai được đưa đi cấp cứu nhưng ông Văn đã tử vong. Ông Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú cáo buộc giết em họ để cướp của.
Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về hai tội Giết người và Cướp tài sản. Ông Thêm kêu oan. Một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án tử hình. Năm 1975, Cơ quan Công an bắt được đối tượng giết chết ông Văn cũng như đánh ông Thêm bị thương. Năm 1976, ông Thêm được thả về.
Tới năm 1997, ông Thêm có đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ án. Ngày 6-12-2004, ông Thêm tiếp tục có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại. Ngày 8-8-2016, TAND Tối cao xác định ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can. Ngày 11-8-2016, Tòa án công khai xin lỗi ông Thêm và tháng 3-2018, ông đã được bồi thường 6,7 tỷ đồng.