TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm, tuyên bác yêu cầu của một Ngân hàng Thương mại cổ phần (NH) đòi UBND phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM trả 16,2 triệu đồng (tiền vốn chỉ 3,96 triệu đồng, còn lại là lãi). Do bị bác yêu cầu khởi kiện nên phía NH phải chịu án phí hơn 814.000 đồng.
Bỗng dưng bị kiện
Câu chuyện đòi UBND phường trả món nợ bắt đầu từ khoản vay 22 năm trước, khi bà Nguyễn Thị Tuyết Lan vay NH này số tiền 4,5 triệu đồng. Bà Lan vay trong thời hạn chín tháng, lãi suất 2%/tháng để mua hàng tiêu dùng trả góp. Trong quá trình thực hiện hợp đồng vay, bà Lan đã trả được 540.000 đồng tiền vốn và 90.000 đồng tiền lãi, sau đó ngừng trả cho đến nay.
Nhiều lần NH gặp đòi bà Lan nhưng bà khước từ việc trả nợ. Lý do bà Lan cho rằng không mượn tiền của NH; chữ ký, chữ viết trong hồ sơ vay mượn tiền không phải của bà. Vì lẽ đó NH nộp đơn khởi kiện tại TAND quận Tân Bình, yêu cầu UBND phường 3 (quận Tân Bình) - là người bảo lãnh bà Lan vay tiền - phải trả nợ. Theo đơn kiện, phía NH yêu cầu UBND phường trả hơn 16 triệu đồng gồm cả tiền vốn và lãi.
Bị tòa xác định là bị đơn trong vụ án, UBND phường 3 trình bày hồ sơ vay tiền nói trên không phải của bà Lan mà là của bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt. Bà Nguyệt trước đây là phó chủ tịch phường, làm giả hồ sơ vay, lạm dụng chức vụ và quyền hạn để ký tên, đóng dấu với tư cách là người bảo lãnh.
Theo bị đơn, vào thời điểm này, cơ quan không có chủ trương cho nhân viên làm hồ sơ vay mượn tiền để mua hàng, cũng như không có ủy quyền cho bà Nguyệt ký tên bảo lãnh. Bà Nguyệt đã bỏ trốn và bị công an truy nã từ năm 1996 đến nay vì có hành vi lạm dụng quyền hạn để lừa đảo nhiều người nhằm chiếm đoạt tài sản. Từ đó, phía UBND phường 3 cho rằng bà Lan không phải là người vay và phường không bảo lãnh nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của phía NH.
Tại tòa, bà Lan cho biết bà là nhân viên UBND phường 3 (quận Tân Bình) từ năm 1993, bà chưa bao giờ làm hồ sơ vay trên nên bà cũng không đồng ý với NH việc đòi nợ này.
|
Ảnh minh họa. |
Không thể đòi tiền UBND phường
Cuối tháng 2-2006, TAND quận Tân Bình xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu NH nên nơi này kháng cáo. Theo NH, vào thời điểm tháng 5-1995, ngoài hồ sơ vay tiền của bà Lan, NH không nhận hồ sơ nào khác của nhân viên UBND phường 3. Phía NH không có ý kiến gì với bà Nguyệt và cũng không yêu cầu đưa người này vào tham gia tố tụng. NH chỉ yêu cầu sửa án theo hướng buộc bị đơn là người ký bảo lãnh phải trả tiền cho mình.
Tại tòa phúc thẩm, đại diện VKSND TP.HCM đánh giá tháng 9-2004 NH khởi kiện bà Lan đòi nợ, nơi bảo lãnh là UBND phường 3. Sau khi giám định chữ ký trên hồ sơ không phải của bà Lan, cuối năm 2005 NH đã xác định lại người bị kiện là UBND phường.
Theo NH, bà Nguyệt nguyên là phó chủ tịch phường đã nhân danh pháp nhân UBND phường bảo lãnh vay và không thanh toán nên phải có trách nhiệm bồi thường vì để công chức của mình gây ra lỗi.
Tuy nhiên, VKS nhận định việc NH khởi kiện đòi tiền UBND phường 3 là không có cơ sở. Bởi lẽ quan hệ vay tài sản là quan hệ tranh chấp chính và phải được giải quyết trước. Nếu người vay không có khả năng trả thì mới xem xét đến trách nhiệm của người bảo lãnh. Nhưng phía NH đã không cung cấp cho tòa chứng cứ về người vay thật sự là ai để giải quyết hợp đồng vay này. Như vậy quan hệ tranh chấp tài sản này chưa được xem xét, chưa xác định được người vay thì không làm phát sinh trách nhiệm của người bảo lãnh.
Đồng tình, HĐXX nhận định bà Lan không có giao dịch tài sản với nguyên đơn. NH nói UBND phường bảo lãnh cho vay tiền nhưng cơ quan này không thừa nhận. Nguyên đơn cũng không xuất trình được chứng cứ gì cho thấy bà Nguyệt được ủy quyền ký giấy bảo lãnh cho nhân viên. Người này không có quyền xác lập giao dịch bảo lãnh với NH. Giấy bảo lãnh bà Nguyệt ký không làm phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của bị đơn nên yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận.