Theo dự kiến, hôm nay (20-6), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thủ đô. Phiên tòa được mở do một số bị cáo kháng cáo, bao gồm ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội).
Gửi bản giải trình viết tay hơn 100 trang
Tháng 12-2021, ông Chung bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tám năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cho rằng bản án sơ thẩm tuyên không đúng, ông Chung kháng cáo.
Đáng chú ý, trước phiên phúc thẩm, ông Chung gửi bản giải trình kháng cáo dài hơn 100 trang đến TAND Cấp cao tại Hà Nội. Bản giải trình được ông Chung viết tay, gửi đi từ trại tạm giam của Bộ Công an, nói rằng bị “tuyên án oan”.
Theo bị cáo, Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện việc mua chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch sông, hồ trên địa bàn thủ đô là đúng quy định pháp luật, không gây thiệt hại ngân sách. Công ty này không thể tự đàm phán mua chế phẩm từ công ty của Đức, mà phải làm thủ tục lựa chọn nhà thầu trong nước bán chế phẩm Redoxy-3C cho UBND TP để xử lý nước hồ ô nhiễm.
|
Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại một phiên tòa. Ảnh: UYÊN TRANG
|
Giống như lời khai tại phiên sơ thẩm, cựu chủ tịch ubnd tp Hà Nội cho rằng không có văn bản, tài liệu nào thể hiện việc ông phát biểu, chỉ đạo cấp dưới phải mua chế phẩm thông qua “công ty gia đình”.
Cạnh đó, ông Chung cho rằng bốn quyết định đặt hàng của Công ty Thoát nước Hà Nội về việc cung ứng dịch vụ xử lý ô nhiễm nước hồ, duy trì chất lượng nước được ký có tổng số tiền hơn 308 tỉ đồng, với chín huyện là hơn 3 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền mua chế phẩm Redoxy-3C là hơn 167 tỉ đồng.
Bị cáo tính toán, nếu lấy số tiền dự toán trừ đi số tiền đã mua chế phẩm thì Công ty Thoát nước Hà Nội còn lại “khoản lợi nhuận” hơn 144 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền lợi nhuận này vào Công ty Thoát nước Hà Nội vẫn là công ty 100% vốn sở hữu của TP nên không có chuyện thất thoát tài sản.
Một luận điểm khác được ông Chung đưa ra, đó là phủ nhận cáo buộc của cơ quan tố tụng về việc Công ty Arktic là “công ty gia đình”. Theo ông, việc các cơ quan tố tụng chỉ nhìn vào vốn ghi trên vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp để kết luận con trai ông sở hữu 40% vốn điều lệ, từ đó cho rằng người thân trong gia đình ông sở hữu Công ty Arktic là không có căn cứ...
Mua bán chế phẩm lòng vòng, gây thiệt hại hơn 36 tỉ
Theo bản án sơ thẩm, nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị, từ năm 2009, UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan chỉ đạo công tác khắc phục ô nhiễm nguồn nước ao, hồ.
Tháng 5-2016, ông Chung với vai trò chủ tịch TP đã lựa chọn chế phẩm Redoxy-3C công nghệ mới thay thế công nghệ cũ, tổ chức đoàn sang Đức thăm công ty sản xuất chế phẩm Redoxy-3C. Sau đó, ông Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic.
Quá trình nhập, mua bán, thử nghiệm và sử dụng chế phẩm, các bị cáo có nhiều sai phạm, bỏ qua nhiều quy định, với động cơ vụ lợi, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Trên thực tế, từ khi Công ty Arktic được thành lập, con trai ông Chung đã đứng tên 40% cổ phần. Quá trình hoạt động, công ty nhiều lần có sự thay đổi thành viên góp vốn nhưng thực chất việc chuyển nhượng qua lại vốn góp đều do vợ ông Chung chỉ đạo thực hiện, nhờ người đứng tên hộ.
Việc phát sinh khâu trung gian mua bán lòng vòng theo chỉ đạo của ông Chung gây thiệt hại ngân sách TP số tiền hơn 36 tỉ đồng.
Ngoài ông Chung, hai bị cáo Võ Tiến Hùng và Nguyễn Trường Giang lần lượt bị tòa sơ thẩm tuyên phạt bốn năm và bốn năm sáu tháng tù, về cùng tội danh.
Tòa cũng buộc ba bị cáo liên đới bồi thường cho Công ty Thoát nước Hà Nội hơn 36 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Chung phải bồi thường 25 tỉ đồng (gia đình đã nộp 10 tỉ đồng), bị cáo Giang bồi thường hơn 7,1 tỉ đồng (gia đình đã nộp 1 tỉ đồng), bị cáo Hùng bồi thường 4 tỉ đồng.