Quang cảnh Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khoá XVI.
Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 12, ngày 5/7, HĐND Thành phố Hà Nội sẽ dành 1 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Toàn bộ nội dung phiên làm việc này sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh 1 - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Theo Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, phiên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến về 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên UBND TP và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết đã được HĐND, Thường trực HĐND TP quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả.
Chất vấn nhóm vấn đề về công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thuộc thành phố.
"Đây là những nội dung rất quan trọng và thiết thực, liên quan đến kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thực thi công vụ, đang được thành phố tập trung chỉ đạo, được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm và được các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP đăng ký, đề xuất"- Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nêu.
Trước đó, thực hiện chương trình công tác năm 2023, HĐND Thành phố Hà Nội đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện công tác CCHC gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của thành phố Hà Nội. Đoàn đã giám sát trực tiếp với 12 cơ quan gồm 7 sở chuyên môn của thành phố và 5 quận, huyện.
Kết quả giám sát cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, tạo được chuyển biến rõ nét, toàn diện. Chỉ số CCHC của TP các năm 2021, 2022 luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và có sự cải thiện hàng năm.
Nhiệm vụ về chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số được Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện đã được UBND TP triển khai xây dựng thành nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể để giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện với nhiều chỉ tiêu được tăng so với chỉ tiêu quy định chung của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu thành phần CCHC có dấu hiệu suy giảm, trong đó có chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành CCHC xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tụt 16 bậc so với năm 2021. Chỉ số SIPAS chưa có sự cải thiện về xếp hạng...
Qua giám sát tại một số đơn vị cho thấy, thói quen và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân tại một số huyện ngoại thành còn chưa cao; nhiều người-phần lớn là người cao tuổi vẫn chưa có thói quen thực hiện thủ tục hành chính qua mạng tại nhà mà vẫn phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan, đơn vị...
Trên cơ sở giám sát, HĐND TP tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhằm nêu lên những kết quả đạt được cũng như tìm nguyên nhân của những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, chỉ rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan và cùng đề ra giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tại Hà Nội có bước tiến mới; đạt được mục tiêu trung ương và Thành ủy đã giao.