Liên quan đến vụ việc học sinh lớp một trường Quốc tế Gateway tử vong sau hai ngày đến trường do bị bỏ quên trên ô tô của nhà trường, ĐB Cao Đình Thưởng, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận, “trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà trường. Trong đó, trực tiếp là người đưa đón trẻ, lái xe, giáo viên chủ nhiệm, trách nhiệm chủ tịch hội đồng nhà trường, ban giám hiệu.
|
ĐB Cao Đình Thưởng. |
Sự việc thể hiện rõ sự thiếu và yếu trong quản lý các trường tư thục. Đặc biệt là những trường tự đặt danh xưng là trường quốc tế mà chưa hề có kiểm định, tiêu chuẩn".
Do đó phải xây dựng một lộ trình khẩn cấp để bảo vệ học sinh, bảo vệ môi trường giáo dục Việt Nam".
|
Trường học tự phong "Quốc tế" Gateway. |
“Vừa rồi, Quốc hội quyết định giám sát về vấn đề xâm hại trẻ em. Nhưng vụ việc này có lẽ là rất điển hình và đau lòng cho việc trẻ em đang không được an toàn trong chính môi trường giáo dục. Xử lý đến đâu như thế nào là việc của các cơ quan tố tụng, điều tra. Ai đến đâu, tội thế nào người đó phải chịu nhưng đây là hồi chuông, là báo động đỏ trong việc bảo vệ trẻ em. Người ta mà có trách nhiệm thì đã không để xảy ra sự việc đau lòng như thế. Tôi không thể tin được là có việc bỏ một học sinh 9 tiếng đồng hồ trên xe đưa đón để dẫn đến tử vong”, ông Thưởng bức xúc nói.
"Lái xe tại sao không kiểm tra xe, người đón trẻ tại sao không đếm học sinh, giáo viên chủ nhiệm cũng không biết? Điều này là hết sức vô lý. Tôi vô cùng bức xúc về vụ việc này.
Tất cả các trường phải xem lại quy trình giảng dạy, quản lý học sinh từ trong và ngoài trường thế nào để các cháu được an toàn nhất”, ông Thưởng nói.
Đáng lưu ý, sau khi việc xảy ra, các cơ quan chức năng vào cuộc thì thấy có rất nhiều vấn đề, kẽ hở trong quản lý đưa đón học sinh…
Vị Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không chỉ trường này mà các trường học trên cả nước phải được rà soát xem có lỗ hổng nào để khắc phục ngay. Đừng để việc xảy ra rồi mới chạy theo. Phải chủ động xem lại những công đoạn trong quản lý giáo dục, cái gì dễ phát sinh tiêu cực, nguy hiểm phải lườn trước. Để xảy ra rồi mới làm thì đã là quá muộn. Hậu quả nó sẽ rất đau lòng.
“Việc dự báo trước để có quy chế, quy tắc, nội quy bắt buộc mọi thành viên phải tuân theo, thực ra đó là tuân theo những quy định của pháp luật một cách cụ thể.
Từ đây cũng phải xác định trách nhiệm của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đây phải rà soát lại quy mô trường lớp trên địa bàn cả nước xem những loại hình nào là hợp pháp, loại hình nào là bất hợp pháp.
Giờ Đại học cũng nở rộ, trường công, trường tư, rồi các trường không rõ mô hình nào cũng hoạt động là rất đáng lo ngại, phải có chấn chỉnh”, ông Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, trường học lấy tên nước ngoài, mang danh quốc tế rất mập mờ chưa được kiểm định và thực tế cũng chưa có quy định rõ ràng thế nào là trường Quốc tế. Trường quốc tế phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật về chất lượng giáo viên, chương trình sách giáo khoa, đối tượng tuyển sinh, điều kiện cơ sở vật chất ra sao… mới được công nhận là trường quốc tế. Vậy nếu chưa có quy định rõ ràng, thì không để cho doanh nghiệp tự phong trường quốc tế này kia, rồi để xảy ra các hệ lụy, hiểu lầm cho phụ huynh.
“Thương mại hóa giáo dục là một việc phải thận trọng vì nó rất nguy hiểm. Không chỉ trường quốc tế mà nhiều loại hình trường cạnh tranh với nhau, quảng bá không đúng sự thực, không đúng thực lực nhà trường. Thu phí phụ huynh không tương xứng đồng tiền bỏ ra. Vì vậy phải có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ của ngành giáo dục và tất cả các cấp các ngành liên quan”, ĐB Cao Đình Thưởng khẳng định.