Công an quận Long Biên, TP Hà Nội đang điều tra vụ án Nguyễn Thanh Tuyền, trú tại xã Phước Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, là nhân viên tư vấn bán hàng của Công ty Tài chính...
Tuyền đã thiết lập 77 hồ sơ vay tiền ngân hàng dưới hình thức vay theo sim của một tập đoàn viễn thông, giao cho Nguyễn Thị Mỹ Hà, trú tại phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội làm giả thông tin khách hàng.
Sau khi được duyệt vay, Hà thuê người dùng chứng minh nhân dân mang tên khách hàng, dán ảnh của người được thuê đến bưu điện rút tiền vay. Bằng cách này, đã có 75 hồ sơ tín dụng được làm giả, chiếm đoạt của một ngân hàng 1,5 tỷ đồng.
|
Cách làm giả CMND được phổ biến công khai trên mạng |
Như vụ án 3 đối tượng trong đường dây tổ chức cho Giang Kim Đạt trốn ra nước ngoài. Đối tượng trước khi bỏ trốn đã chiếm đoạt 255 tỷ đồng trong vụ “đại án” tham nhũng xảy ra tại Vinashinlines.
Để có căn cứ làm hộ chiếu, xin cấp visa cho Đạt bỏ trốn, các đối tượng trong đường dây này đã sử dụng chứng minh nhân dân giả mang họ và tên người khác. Với cái tên mới, Giang Kim Đạt có vỏ bọc là trưởng một văn phòng đại diện của một doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.
Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là tình trạng sử dụng CMND giả, CMND của người khác để đăng ký tài khoản ngân hàng, nhằm thực hiện các giao dịch chuyển tiền “bí mật”; hoặc sử dụng tài khoản “ảo” để lừa đảo bán hàng qua mạng…
Thông thường, các đối tượng sử dụng giấy CMND thật, sau đó dùng kỹ thuật thay ảnh của người khác vào, sau đó ép platic như cũ. Cũng có nhiều CMND được làm giả “từ A đến Z” bằng phần mềm đồ họa. Trên các trang mạng xã hội, người ta công khai rao bán chứng minh nhân dân hoặc hướng dẫn thủ thuật để “chế bản”, làm giả một giấy CMND mới.
Đi ngoài đường phố, bạn đọc có thể dễ dàng bắt gặp nhiều tờ giấy quảng cáo: “Cho vay tiền không cần thế chấp, chỉ cần CMND” được dán tràn lan nơi công cộng. Đây chính là nguồn cung cấp giấy CMND tại một số tiệm cầm đồ, cho những ai có nhu cầu mua lại một giấy CMND của người khác.
Mới đây, đồng nghiệp của chúng tôi tại một tờ báo đã điều tra phát hiện một số tiệm cầm đồ ở TP Hà Nội bán giấy CMND của khách hàng bỏ lại cho người có nhu cầu với giá 500 ngàn đồng.
|
Tang vật trong một vụ án làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan nhà nước |
Chúng tôi được biết, việc làm giả giấy CMND chủ yếu diễn ra đối với giấy CMND 9 số (mẫu cũ), được in ấn trên chất liệu giấy. Còn đối với Căn cước công dân mẫu mới (12 số), theo Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an: Mẫu thẻ Căn cước công dân mới sử dụng công nghệ của Đức, bảo mật của một hãng uy tín tại Thụy Sĩ.
Căn cước công dân được in công nghệ cao, tích hợp hoa văn rất khó để làm giả, hoặc nếu bị làm giả thì sẽ phát hiện ngay; đặc biệt, ảnh của trên Căn cước công dân sẽ được in trực tiếp lên nhựa, thay vì dán ảnh lên giấy như mẫu CMND cũ.